
Công nhân đang sản xuất khâu tạo hình phôi. Ảnh: Đ.C
Nghề kềm kéo Mỹ Thạnh ra đời từ trước năm 1975
Theo tài liệu sưu tầm của UBND xã Mỹ Thạnh: Kềm chuyên dùng cắt móng trước năm 1975 là ngoại nhập, được sử dụng ở một số cửa hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn. Sự tiến bộ của xã hội, nhu cầu làm đẹp của con người đã giúp người dân Mỹ Thạnh chịu khó mày mò, tìm hiểu và sản xuất được dụng cụ này. Qua nhiều năm, nghề làm kềm ở Mỹ Thạnh ngày càng phát triển. Ông Phạm Thanh Diễn - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết: “Theo nhiều người lớn tuổi thì ông tổ của nghề kềm cắt móng tại xã là ông Tư Bảo. Hiện nay, ông Tư có nhiều con cháu nối nghiệp này. Dân làm nghề kềm kéo tập trung chủ yếu ở ấp Chợ và ấp Căn Cứ”.
Ông Võ Văn Bảo (Tư Bảo, sinh năm 1925) là người ấp Chợ, sống bằng nghề mộc. Ông Bảo có người em ruột tên Võ Văn Ban (Năm Ban) chuyên nghề mài kềm cho một cửa hàng bán mỹ phẩm, làm móng tay tại Sài Gòn. Khoảng năm 1970, ông Ban mách nước cho ông Bảo chuyển qua nghề làm kềm để tăng thu nhập. Năm 1974, ông Bảo tập tành nghề mới. Ban đầu, ông tìm miểng bom (chất liệu thép) đem về rèn (theo cách nung than) rồi gia công (cắt, mài, dũa, đục lỗ) để làm nên chiếc kềm đầu tiên. Cách làm này phải tốn nhiều công sức, chi phí cao. Không nản chí, ông tìm tòi học hỏi và làm nên chiếc kềm bằng sắt phế thải (nguyên liệu nhập, có pha thép) vào năm 1980. Sau đó, sản phẩm của ông Bảo xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường TP. Hồ Chí Minh (thông qua ông Năm Ban), tại các tiệm làm đẹp cho phái nữ. “Bấy giờ, sản phẩm kềm do cha tôi làm ra bán rất đắt nên có nhiều người theo học nghề. Tôi là một trong những trợ thủ đắc lực của ông”, ông Ba Thống, con trai của ông Bảo kể. Số lượng kềm bán tăng, “đệ tử” của ông Bảo ngày càng nhiều, sản phẩm do ông sản xuất ngày càng thêm tinh xảo và số người sống bằng nghề làm kềm tại xã Mỹ Thạnh càng tăng.
Theo thời gian, kềm móng tay có xuất xứ từ xã Mỹ Thạnh với chất lượng tốt, giá cả rẻ thu hút các nhà kinh doanh. Ban đầu, thương nhân các nơi tìm tới đây chỉ là quan hệ mua bán. Khoảng đầu năm 1990, những thương nhân này đã thuê những người thợ có tay nghề cao ở Mỹ Thạnh tới TP. Hồ Chí Minh làm kềm với mức lương rất hậu (trong đó, có con trai và con rể của ông Tư Bảo), để đào tạo nghề cho công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, sản xuất mặt hàng kềm làm móng.
Ngày 8-12-2008, làng nghề kềm kéo Mỹ Thạnh được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tặng Bằng chứng nhận “Vinh danh làng nghề kềm kéo Mỹ Thạnh”. |
Làng nghề kềm kéo Mỹ Thạnh giờ đây
Mỹ Thạnh hiện có 76 lò (hộ) làm nghề sản xuất, gia công kềm kéo với sản lượng hơn 700 ngàn chiếc/tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 500 lao động, mức thu nhập mỗi người từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng. Tại ấp Chợ, ngoài các cơ sở sản xuất (khá lớn) do các con của ông Tư Bảo làm chủ: Bé Sáu, Bé Bảy, Bé Tám, Bình… còn có nhiều cơ sở sản xuất, gia công kềm của ông Hai Mão, ông Dũng… tập trung số lượng công nhân khá đông (mỗi cơ sở có khoảng 10 lao động), hoạt động hàng ngày. Những cơ sở này chủ yếu sản xuất kềm thô hoặc gia công kềm cho Công ty Kềm Nghĩa TP. Hồ Chí Minh hoặc các doanh nghiệp khác. Ông Nguyễn Văn Bé (Hai Mão, sinh năm 1962), chủ cơ sở sản xuất, gia công kềm tại ấp Chợ cho biết: “Sản xuất kềm làm móng trải qua nhiều khâu, sau khi nhận phôi về, các cơ sở tiến hành chạy cán rồi lắp kềm, gõ ép và giao lại cho công ty thực hiện công đoạn khoan (máy). Sau đó, các cơ sở nhận lại cốt kềm để thực hiện các công việc như gõ đầu, làm mặt kềm, chạy dốc… để hoàn thành sản phẩm kềm thô rồi giao lại cho công ty thực hiện việc xi, mài bén, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm”. Năm nay ông Mão 49 tuổi, có 29 năm tuổi nghề, ông muốn mua sắm thêm máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất, hoàn thiện sản phẩm nhưng vì không có vốn nên đành phải làm gia công. Không riêng gì ông Mão, xã Mỹ Thạnh còn có nhiều người làm nghề kềm kéo cùng mang tâm trạng như ông.
Hiện tại, Mỹ Thạnh có cơ sở Kềm Hải Đăng đã đầu tư máy móc, thiết bị khá hiện đại. Đây cũng là cơ sở sản xuất kềm duy nhất tại Bến Tre được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (ngày 10-4-2010). Ngoài cơ sở sản xuất chính tại ấp Chợ, Hải Đăng hiện có 2 vệ tinh sản xuất tại xã và 5 vệ tinh khác ở các xã lân cận, sản xuất mỗi ngày từ 500 đến 1.000 chiếc kềm, tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Tháng 8-2011, thông qua giới thiệu của Phòng Công Thương huyện Giồng Trôm, cơ sở này vừa được Nhà nước hỗ trợ vốn mua máy gia nhiệt cao tần GE30 (sử dụng điện), giúp cho thời gian nung phôi thép nhanh, không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Cần một thương hiệu chính thống cho Làng nghề
Hiện tại, các cơ sở sản xuất, gia công kềm tại xã Mỹ Thạnh đang đối mặt với khó khăn vì bị ép giá. Ông Nguyễn Văn Việt, cán bộ Văn phòng UBND xã Mỹ Thạnh cho biết: “Gần đây, sản phẩm kềm gia công của các cơ sở sản xuất tại xã đã bị thương lái và các công ty đặt hàng ép giá, sản phẩm làm ra bị chê là không đạt yêu cầu và bị trả lại, người sản xuất phải chịu nhiều thiệt thòi”. Một số người lớn tuổi sống tại xã Mỹ Thạnh chia sẻ: Các công ty đầu mối, tiêu thụ kềm ở TP. Hồ Chí Minh hiện đã có thương hiệu riêng. Giờ đây, họ đã đào tạo được tay nghề nên không cần sản phẩm kềm thô của Mỹ Thạnh nữa. Còn ông Phạm Thanh Diễn - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh thì bức xúc: “Qua gần 40 năm hình thành và phát triển, Làng nghề kềm kéo Mỹ Thạnh đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, làm tăng thêm nét phong phú, đặc sắc cho quê hương, giải quyết được lượng lao động lớn tại địa phương. Làng nghề đang gặp khó khăn về vốn để đầu tư cho sản xuất và đang gặp sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Hiện tại, người dân Mỹ Thạnh và người sản xuất kềm kéo rất mong ngành chức năng quan tâm giúp đỡ để làng nghề kềm kéo Mỹ Thạnh có được thương hiệu”.
“Các cơ sở sản xuất kềm ở Mỹ Thạnh, Công ty Kềm Nghĩa và các đồng nghiệp đã lấy ngày cha tôi mất (25-5-2009 âm lịch năm Kỷ Sửu) để cúng tổ nghề làm kềm”.
(Ông Võ Văn Thống con trai thứ ba của ông Tư Bảo) |