Đề xuất giải pháp tăng trưởng kinh tế năm 2023

01/12/2022 - 15:11

BDK.VN - Thông báo mới nhất của Cục Thống kê ngày 30-11-2022, số liệu tăng trưởng GRDP sơ bộ năm 2022 của tỉnh Bến Tre là 7,33%. Trong đó, khu vực I tăng 3,27% (Nghị quyết (NQ) 4,0%), khu vực II tăng 12,7% (NQ 15,4%), và khu vực III tăng 9% (NQ 7,9%).

Khu tái định cư Khu công nghiệp Phú Thuận đang triển khai.

Khu tái định cư Khu công nghiệp Phú Thuận đang triển khai.

Với kết quả này thì trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ, tăng trưởng kinh tế của tỉnh mới đạt được bình quân là 4,28% (chỉ đạt hơn phân nửa chỉ tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ). Vì vậy, áp lực tăng trưởng cho các năm còn lại của cả nhiệm kỳ là rất lớn. Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người của cả nhiệm kỳ theo NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 9,3%.

Tăng trưởng từng khu vực kinh tế

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận cho biết, để đạt được chỉ tiêu này, từng khu vực kinh tế phải tăng trưởng như sau: Khu vực I phải tăng trưởng 3,9%; khu vực II là 19,5%; khu vực III là 8,5%.

Về giải pháp tăng trưởng khu vực I, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết, cần tập trung nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP); phòng chống hạn mặn năm 2023 đảm bảo phục vụ ổn định sản xuất nông nghiệp; tiếp tục phát triển chuỗi giá trị.

“Hiện tại Bến Tre có tất cả là 158 sản phẩm, tháng 12 tới sẽ tiếp tục đánh giá đợt 2 là 43 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã đi vào một số siêu thị lớn, các cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh. Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là làm việc với một số hợp tác xã (HTX) trong việc kết nối liên kết với các chủ thể để cung ứng các sản phẩm OCOP. Đôn đốc, hỗ trợ Hội Doanh nhân trẻ thành lập công ty cổ phần để phối hợp cung ứng sản phẩm OCOP” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu.

Đồng thời, rà soát các chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại. Trên cơ sở đó ban hành chính sách mới hỗ trợ kịp thời, thiết thực. Hỗ trợ chủ thể sản xuất rà soát hiện trạng sản phẩm như nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, tem nhãn, câu chuyện sản phẩm…

Về công tác phòng chống hạn mặn năm 2023, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn năm 2022-2023 sắp xỉ hoặc thấp hơn xâm nhập mặn năm 2021-2022. Xâm nhập mặn năm nay đến sớm hơn năm 2021. Độ mặn cao nhất rơi vào thời điểm tháng 2 và tháng 3-2023. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết đang xây dựng kế hoạch phòng chống hạn để trình UBND tỉnh.

“Để ứng phó tốt cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, tận dụng các hồ chứa, bồn chứa, lu; đắp đập, bờ bao cục bộ để trữ nước trong các ao, mương vườn; khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả. Đồng thời tổ chức thực hiện vận hành các công trình thủy lợi hợp lý, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương, nội đồng, hồ chứa...”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết.

Đối với phát triển chuỗi giá trị, yêu cầu bức thiết hiện nay là mã vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng, cấp 48 mã, với 487ha, trong đó bưởi cấp 25 mã với trên 340ha. Thời gian tới phải xây dựng mô hình HTX điểm hoạt động có hiệu quả và thực chất, phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân. Mỗi địa phương cần có sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy để quan tâm xây dựng mã vùng trồng theo từng thị trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản; chuyển đổi số để phát triển thương mại điện tử, gia tăng năng lực sản xuất mới…

Về lâu dài muốn ổn định giá dừa, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho biết: Qua tìm hiểu, nhận ra Bến Tre hoàn toàn chủ động được giá dừa nếu các doanh nghiệp liên kết ngang và liên kết dọc với người trồng dừa chặt chẽ với nhau. Tương lai nếu không liên kết ngang và phân công lao động trong ngành dừa, tổ chức tốt liên kết chuỗi thì ngành dừa khó phát triển và ổn định. Ông Lê Công Thành đề nghị tỉnh chủ trì để các cấp các ngành ngồi lại nhận định và tìm ra nguyên nhân, giải pháp sát với tình hình thực tế.

Đối với giải pháp tăng trưởng khu vực 2, Phó giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp có giá trị sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp; đảm bảo nguồn điện, nước sạch ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nhà đầu tư đấu nối và phát điện thương mại cho khoảng 270MW điện gió ngay khi có cơ chế giá điện mới.

Đồng bộ các giải pháp về huy động vốn đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm huy động có hiệu quả nguồn vốn cho đầu tư phát triển; phấn đấu tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 28.000 tỷ đồng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung triển khai công tác đấu thầu, thi công các dự án đầu tư công ngay từ đầu năm, ưu tiên nguồn vốn đầu tư dự án, công trình trọng điểm dẫn dắt đầu tư tư nhân và tạo sức lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 11 dự án, công trình trọng điểm trong NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Tập trung công trình trọng điểm, tăng thu ngân sách

“Đặc biệt là tập trung hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để triển khai hạ tầng và thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Phú Thuận ngay trong năm 2023; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Long Phước. Đồng thời, duy trì họp giao ban xây dựng cơ bản định kỳ và hoạt động của 2 Tổ công tác; tăng cường công tác phối hợp giải quyết vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, nghiên cứu thành lập Tổ công tác chuyên trách về công tác này, nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư” - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận đề xuất giải pháp.

Liên quan vấn đề này, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh: Cần sự nỗ lực vào cuộc trong tháng cuối năm, tập trung giải pháp đã đề ra tại NQ số 124/NQ-CP ngày 15-9-2022 của Chính phủ. Mục tiêu đạt giải ngân mức thấp nhất từ 85-95% vào cuối năm.

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là phải tăng thu ngân sách nhà nước. “Cần có giải pháp tăng thu để bù đắp thâm hụt ngân sách cần có danh mục cụ thể (ví dụ: điện gió, tài nguyên cát). Thu ngân sách năm 2023 tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2022 là con số khá nhỏ không thể bù đắp được…”- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cao Minh Đức nêu.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho hay, thực tế doanh nghiệp trốn thuế còn rất nhiều nên cần có giải pháp tăng thu ngân sách năm 2023 bằng cách thu đúng thu đủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng: Việc tăng nguồn thu theo đề xuất của đại biểu là phù hợp và cần thu đúng, thu đủ. UBND tỉnh sẽ có cuộc họp chuyên đề về tăng nguồn thu ngân sách. Trong đó cần khai thác nguồn thu từ các dự án điện gió. Triển vọng năm 2023 khi Chính phủ cho cơ chế mới thì Bến Tre sẽ tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh.

“Kết quả tăng trưởng 7,33% đã minh chứng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế đáng kể. Nguyên nhân do tăng trưởng quý IV chỉ đạt 0,98%, nhưng đây cũng là tình hình chung của cả nước. Do đó, tháng 12-2022 phải quyết liệt thực hiện tốt các chỉ tiêu để kỳ vọng vào quý I-2023 sẽ có sự đánh giá lại 2022 với chỉ số được cải thiện tốt hơn” - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN