Nhóm bạn trẻ cắt tóc cho các bệnh nhân tâm thần.
Tiếp xúc để cảm thông
“Chú ơi, cắt tóc sao đây chú?”. “Cắt tỉa!”. Cậu thanh niên nhanh chóng đưa đường kéo lành nghề cắt tóc cho khách. 22 tuổi, vào nghề được 3 năm, Phạm Quốc Duy đã rành rẽ các thao tác, đáp ứng nhu cầu cho nhiều khách hàng khó tính. Nhưng hôm nay, khách của Duy là những bệnh nhân tâm thần. Buổi cắt tóc cũng diễn ra ngay trong sân của Trung tâm Bảo trợ người tâm thần tỉnh. Đây là một trải nghiệm hết sức đặc biệt của chàng trai trẻ. “Lúc đặt chân vào đây, em khá là hồi hộp, không biết sẽ diễn ra như thế nào, nhưng khi được cắt tóc cho các cô, chú ở đây, em rất vui và hạnh phúc vì giúp ích được cho mọi người”, Duy bày tỏ.
Nhóm của Duy có 8 bạn trẻ. Tất cả đều là thợ cắt tóc đang làm việc tại Salon tóc Thành Ân (TP. Bến Tre) cùng tham gia hoạt động tình nguyện tại Trung tâm Bảo trợ người tâm thần tỉnh.
Cùng với nhóm thợ cắt tóc còn có đoàn viên các tổ chức đoàn các đơn vị thuộc Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh cùng đến phụ giúp nấu bữa cơm chiều, phát quà bánh cho các bệnh nhân. Một nhóm khác tổ chức giao lưu văn nghệ, hát karaoke với bệnh nhân. Một số ngồi trò chuyện, đánh cờ. Khoảng sân Trung tâm Bảo trợ người tâm thần tỉnh chiều cuối năm rộn ràng tiếng cười nói, vọng lại từ xa là tiếng hát, tiếng vỗ tay lao xao.
Ngoại trừ các bệnh nhân nặng, sa sút được ở phòng sinh hoạt riêng thì các bệnh nhân nhẹ hơn đều được mời đến giao lưu, cắt tóc, chơi cờ và tham gia hát karaoke với các bạn trẻ. Có thể thấy rõ tinh thần họ phấn khởi hơn rất nhiều khi có người đến thăm. Chú T - một bệnh nhân tại trung tâm vui mừng chia sẻ: “Được mọi người đến thăm chú cũng vui lắm”. Chú T là một trong các bệnh nhân lưu tại trung tâm được khoảng 8 năm. Hiện chú đã tỉnh táo nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ còn người em ruột không có điều kiện chăm sóc nên chú T vẫn lưu lại trung tâm. Được tạo điều kiện, chú T và một số bệnh nhân nhẹ còn tham gia đan thảm vải, chăn nuôi vịt, thêm niềm vui sống.
Quan tâm về mặt tinh thần
Một cảm nhận khi cùng tham gia hoạt động chung với các bạn thanh niên có thể thấy, chúng tôi đều đã có những cách nhìn khác hơn về các bệnh nhân tâm thần. Cảm giác e dè lúc ban đầu đã nhường chỗ cho những quan tâm, sẻ chia. Những câu hỏi thăm sức khỏe, những cái nắm tay chân tình của chính các bệnh nhân khiến nhiều bạn trẻ không khỏi xúc động.
Không tham gia trong nhóm cắt tóc hay phụ nấu ăn, bạn Huỳnh Văn Toàn (sinh năm 1993) chủ động ngồi nói chuyện, thăm hỏi một số bệnh nhân. Toàn nói: “Đây là lần đầu mình đến giao lưu, tham gia hoạt động tại Trung tâm Bảo trợ người tâm thần và được các anh chị trong trung tâm hướng dẫn thì mình có cách nhìn khác hơn. Mỗi bệnh nhân ở đây đều có những hoàn cảnh khác nhau, bệnh tình khác nhau, đến đây thăm hỏi, trò chuyện mình mới hiểu hơn về họ. Mình vui mừng vì sức khỏe của các cô chú đã chuyển biến tích cực”.
Anh Trần Cao Thế - Bí thư Đoàn cơ sở Viễn thông Bến Tre, đại diện đơn vị tổ chức cho biết: “Các đơn vị đều mong muốn cho các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động thấy được hoàn cảnh của các bệnh nhân tâm thần để bản thân các bạn có thể chia sẻ và tự bản thân có mục đích sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với xã hội”.
Thông tin từ Trung tâm Bảo trợ người tâm thần tỉnh, những năm gần đây, các mạnh thường quân cũng rất quan tâm đến người bệnh tâm thần, biết đến thông qua các kênh mạng xã hội, thấy được người bệnh cần được quan tâm, là những người yếu thế trong xã hội nên đã đến hỗ trợ bữa ăn, cho quà bánh hoặc tặng tiền mặt. Tất cả những phần hỗ trợ này sẽ cùng với ngân sách hoạt động tại trung tâm để chăm lo cho người bệnh tốt hơn.
Anh Nguyễn Trọng Phụng - Bí thư Chi đoàn Trung tâm Bảo trợ người tâm thần cho biết: “Cùng với các hoạt động hớt tóc, nấu bữa cơm, các đoàn thiện nguyện cũng thường phối hợp với trung tâm tổ chức chương trình văn nghệ, vui xuân đón Tết cho người bệnh. Việc chăm sóc này sẽ cho người bệnh thấy họ được quan tâm từ cái ăn, cái mặc cho đến tinh thần. Với bệnh nhân tâm thần, cần nhất là sự chăm lo về tinh thần, còn về nhu cầu thiết yếu thì nhà nước và nhiều mạnh thường quân cũng đã chăm lo đầy đủ. Dù bệnh nhưng họ luôn muốn được sống và có cảm giác như gia đình. Vì vậy, trung tâm cố gắng tạo các hoạt động để người bệnh tham gia giải trí, lao động, vui sống, hòa nhập cộng đồng”.
Tại trung tâm, thảm vải của các bệnh nhân làm ra cũng được bán cho các đoàn khách đến thăm hay những ai có nhu cầu. Tiền thu từ tiền bán thảm sẽ được trung tâm chia lại cho bệnh nhân như là tiền công sức của họ. Điều này đã tạo nên niềm vui cho người bệnh, khi sức lao động của họ được xã hội công nhận.
Trung tâm Bảo trợ người tâm thần là đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trung tâm hiện đang bảo trợ, chăm sóc, phục hồi chức năng cho 198 bệnh nhân tâm thần các mức độ. Các bệnh nhân tại trung tâm chủ yếu là các đối tượng yếu thế trong xã hội, lang thang, gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bài, ảnh: Thanh Đồng