Từ đầu tư trang bị cơ sở vật chất…
Hàng năm, các trạm y tế xã,
phường phục vụ khoảng 2/3 bệnh nhân trong toàn tỉnh. Khâu xây dựng cơ sở vật
chất, nhất là xây dựng các trạm y tế xã, luôn được Sở Y tế quan tâm. Riêng năm
2014, ngành tập trung xây dựng 30 trạm y tế xã theo hướng đạt tiêu chí chuẩn
quốc gia về y tế bằng nhiều nguồn vốn với tổng kinh phí gần 54 tỷ đồng. Trong
đó, có 8 trạm phải đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế dành cho xã nông thôn
mới, tổng kinh phí 14,2 tỷ đồng. Đó là các trạm: Lương Quới, Hưng Lễ, (huyện
Giồng Trôm), Tân Phú Tây (huyện Mỏ Cày Bắc), Mỹ Nhơn, Tân Thủy (huyện Ba Tri),
Thành Triệu (huyện Châu Thành), Quới Điền (huyện Thạnh Phú) và Nhơn Thạnh (TP. Bến
Tre). Theo ông Nguyễn Duy Linh - Phó Giám đốc Sở Y tế, các trạm y tế xã được
xây mới với diện tích từ 700m2 đến 3.000m2; tất cả đều có vườn thuốc Nam, nhà
ăn, lò xử lý rác.
Hiện Bệnh viện Đa khoa (BVĐK)
Nguyễn Đình Chiểu đang khẩn trương thi công công trình: Khu cấp cứu, Khu khám
bệnh, Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Phẫu thuật. Công trình được khởi công xây
dựng đầu năm 2012 (tại mặt tiền khuôn viên bệnh viện hiện hữu), dự kiến hoàn
thành vào năm 2015, phục vụ khoảng 2 ngàn lượt bệnh nhân mỗi ngày.
Kỹ sư Huỳnh Hữu Tâm (Phòng Hành
chính quản trị của bệnh viện) phụ trách công tác xây dựng cho biết: Công trình
được xây dựng mới hoàn toàn, gồm 1 trệt, 5 lầu, tổng diện tích sử dụng
14.000m2; tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng, trích từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Sau khi hoàn thành, tòa nhà có chiều cao gần 26m, dài 120m, rộng khoảng 30m,
được chia làm 2 khối A và B. Toàn khu nhà có 10 thang máy phục vụ 24/24 giờ.
Khu đăng ký và Khu khám bệnh chiếm 4 tầng nhà khối A. Khu cấp cứu, chẩn đoán
hình ảnh, hồi sức tích cực và chống độc, xét nghiệm huyết học, hóa sinh chiếm 4
tầng nhà khối B. Nguyên tầng thứ 5 là 10 phòng phẫu thuật chiếm 2 nhà khối A và
B. Tầng trệt có đường dẫn lên tầng 1 để xe cấp cứu ra vào. Hai nhà khối A, B có
khoảng 100 giường phục vụ bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Văn Ân - Phó Giám
đốc BVĐK Nguyễn Đình Chiểu cho biết thêm: Đến nay, khối lượng công trình hoàn
thành đạt 100% về xây dựng cơ bản, đang chuẩn bị lắp đặt các thiết bị khám,
chữa bệnh. Các thiết bị khám, chữa bệnh tại tòa nhà này hầu hết là thiết bị
mới, ngoại nhập và hiện đại.
Bên cạnh xây dựng cơ sở vật
chất, 12 bệnh viện toàn tỉnh còn tích cực xây dựng hệ thống xử lý nước thải y
tế bằng công nghệ mới AAO của Nhật Bản. Bà Võ Thị Tuyết Trang ở ấp 4, thị trấn
Mỏ Cày nói: “Trước năm 2011, bà con chúng tôi rất lo lắng khi BVĐK Khu vực Cù
lao Minh đổ thẳng nước thải y tế chưa xử lý ra sông Mỏ Cày trên 200m3/ngày,
đêm. Bây giờ, người dân ở đây nói riêng và ở thị trấn Mỏ Cày nói chung rất an
tâm khi sử dụng nước do Nhà máy nước Mỏ Cày cung cấp”.
... đến bồi dưỡng chuyên môn
Bác sĩ Hoàng Việt - Giám đốc
BVĐK Nguyễn Đình Chiểu nói: “Để ngành Y của tỉnh nhà có nhiều chuyển biến tích
cực, hơn ai hết, đội ngũ y, bác sĩ phải nâng cao tay nghề và thường xuyên rèn
luyện y đức, xem bệnh nhân là người thân của mình. Và có như thế, mới xứng đáng
với lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Bác sĩ Trần Văn Ân - Phó Giám đốc
BVĐK Nguyễn Đình Chiểu cho biết, năm 2014, bệnh viện tăng 19 bác sĩ. Hiện tại,
bệnh viện có 16 thạc sĩ - bác sĩ, 19 bác sĩ chuyên khoa II, 84 bác sĩ chuyên
khoa I, 57 bác sĩ và 22 y sĩ.
Đi đôi với những nỗ lực của đội
ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà là sự góp sức của đội ngũ y, bác sĩ nước ngoài, góp phần
làm cho ngành Y Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác khám, chữa
bệnh.
Điển hình là trung tuần tháng
2-2014, tại BVĐK Nguyễn Đình Chiểu, đoàn y, bác sĩ của Hội Trợ giúp trẻ em Việt
Nam
- Nhật Bản, do GS.TS Kitayama (chuyên khoa Thận Nhi) làm trưởng đoàn đến tập
huấn cho đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện. Bác sĩ Trần Văn Ân - Phó Giám đốc BVĐK
Nguyễn Đình Chiểu phấn khởi cho biết: Chỉ trong 6 ngày, khoảng 100 lượt y, bác
sĩ, điều dưỡng được các bác sĩ của Hội tập huấn về tầm soát bệnh thận ở trẻ sơ
sinh. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi được lĩnh hội những kinh nghiệm quý báu
của các bác sĩ Nhật Bản về kiến thức y học như: hội chứng thận hư ở trẻ em,
dược và thuốc, xét nghiệm máu và nước tiểu, giải phẫu những ca bệnh lâm sàng từ
SUSP, bệnh thận sơ sinh, dinh dưỡng, lọc máu liên tục trong hội chứng não cấp ở
trẻ em và nhiều kinh nghiệm phẫu thuật hở môi hàm ếch cho trẻ em. “Đặc biệt,
năm 2014, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ bác sĩ Khoa Răng - Hàm -
Mặt thật sự được nâng lên, sau hơn 21 năm gắn bó với Hội Hở môi hàm ếch Nhật
Bản trong việc phẫu thuật. Bác sĩ Nguyễn Công Út - Trưởng Khoa Răng - Hàm - Mặt
được GS.TS Y khoa Nagato Natsume - Giám đốc Hội Hở môi hàm ếch chọn đi châu Phi
cùng với Hội để phẫu thuật cho trẻ em bị sứt môi - hở hàm ếch. Đây là vinh dự
lớn cho ngành Y tỉnh nhà” - Bác sĩ Ân cho hay.
ThS.BS Ngô Văn Tán nhận xét:
“Có thể nói, GS.TS Y khoa Nagato Natsume và các bác sĩ của Hội Hở môi hàm ếch
Nhật Bản đã phẫu thuật cho các trẻ bị sứt môi bằng cái tâm, chứ không chỉ bằng
tấm lòng từ thiện. Qua đây, đội ngũ y, bác sĩ của BVĐK Nguyễn Đình Chiểu đã có
nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phẫu thuật”.
Được biết, không chỉ có y, bác
sĩ ở Nhật Bản đến trợ giúp y, bác sĩ ở Bến Tre mà còn có y, bác sĩ ở Mỹ. Trong
năm 2014, đoàn giáo sư, bác sĩ và sinh viên thiện nguyện Trường Đại học Mercer
Hoa Kỳ đã đến Bến Tre lắp chân giả cho 208 người khuyết tật. Đây cũng là cơ hội
để đội ngũ y, bác sĩ Bến Tre học hỏi kinh nghiệm về lắp chân giả.
Toàn tỉnh có 735 bác sĩ (bình
quân 6,3 bác sĩ/1 vạn dân), 106 dược sĩ đại học (bình quân 0,83 dược sĩ/1 vạn
dân). Các huyện, thành phố có 185 cơ sở khám, chữa bệnh với 3.130 giường (không
tính giường của trạm y tế), đạt 24,57 giường/1 vạn dân.