Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Châu Á nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh

06/01/2021 - 22:09

Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, Indonesia và Triều Tiên đã đồng loạt triển khai các biện pháp ngăn chặn, đồng thời khuyến cáo người dân tăng cường ý thức.

Cảnh sát Indonesia gác trên một đường phố ở Bandung, Tây Java, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cảnh sát Indonesia gác trên một đường phố ở Bandung, Tây Java, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 6-1-2021, Chính phủ Indonesia đã quyết định áp đặt lệnh hạn chế đi lại trong khoảng thời gian từ ngày 11 – 25-1, đặc biệt là tại hai đảo Java và Bali, nhằm kiểm soát các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang gia tăng theo cấp số nhân tại quốc gia Đông Nam Á này.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, do Tổng thống Joko Widodo chủ trì với chủ đề “Kế hoạch triển khai tiêm chủng và xử lý đại dịch COVID-19”, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết chính phủ khuyến khích áp đặt lệnh hạn chế đi lại từ ngày 11 – 25-1 và sẽ tiếp tục đánh giá tình hình.

Theo ông, lực lượng chức năng sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình chăm sóc y tế 3M (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay), đồng thời tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm với sự hỗ trợ của quân đội và cảnh sát. Trong khoảng thời gian từ ngày 11 – 25-1, các hoạt động đi lại trên các đảo Java và Bali sẽ được theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ triển khai chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 trên khắp cả nước.

Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 779.548 ca mắc COVID-19, trong đó có 23.109 ca tử vong. Hiện quốc gia này có số ca mắc và tử vong do mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Cùng ngày, theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), các đơn vị chống dịch bệnh khẩn cấp trên cả nước đang tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus SARS-CoV-2.

Hiện nhà chức trách Triều Tiên đang thiết lập kỷ luật và quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo toàn bộ các khu vực, các cơ quan và toàn thể người dân tuân thủ hướng dẫn của nhà nước cũng như thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông đại chúng cũng tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh để người dân nâng cao ý thức cảnh giác.

Các đài truyền hình và hệ thống các trường học cần tiếp tục thông tin về việc giữ vệ sinh chung cũng như phòng, chống dịch, các áp phích về phòng, chống dịch COVID-19 cũng xuất hiện các nơi công cộng.

Cũng theo KCNA, các đơn vị chống dịch khẩn cấp trên cả nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để có thể xử lý những tình huống bất thường nhỏ nhất, đồng thời đôn đốc người dân chấp hành nghiêm các hướng dẫn và quy định chống dịch. Các cơ quan y tế đang kiểm tra sức khỏe người dân chặt chẽ hơn, đồng thời thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện và chữa trị kịp thời những bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp như cúm.

Cho đến nay, Triều Tiên cho biết chưa phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào tại nước này.

Lo ngại sự lây lan của biến thể của virus SARS-CoV-2, Đan Mạch cho biết sẽ cấm những người từ Nam Phi nhập cảnh, bắt đầu từ ngày 6 đến ngày 17-1. Điều này có nghĩa công dân nước ngoài sinh sống ở Nam Phi sẽ không được nhập cảnh Đan Mạch trong thời gian này, ngoại trừ các trường hợp chăm sóc trẻ em, thăm thân hoặc những người đau ốm. Tuy nhiên, những trường hợp này phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm.

Đan Mạch chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi hồi giữa tháng 12 vừa qua và ở một số nước sau đó. Tuy nhiên, nước này đã phát hiện khoảng 90 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc ở Anh. Nhà chức trách đề nghị người dân ở trong nhà càng nhiều càng tốt, tránh tiếp xúc với những người không sống cùng một nhà hoặc người lạ.

Tính đến nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Đan Mạch là 173.000 người, trong đó có 1.420 trường hợp tử vong.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN