
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 12-5-2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13-5-2020 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 4.422.147 ca, trong đó có 297.552 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 13-5-2020, Bộ Y tế Lesotho thông báo nước này đã ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, qua đó trở thành quốc gia cuối cùng ở châu Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nguy hiểm này.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN
Các nước cũng ghi nhận 1.654.819 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 46.358 và 2.462.325 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan và nguy cơ về một đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai, khi các chỉ số về số ca mắc bệnh và tử vong lại tăng cao trở lại ở một vài quốc gia, như Anh hay Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch hồi tháng 12-2019.
Trong 1 ngày qua, thế giới có 4 nước ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 300 ca/ngày là Mỹ, Brazil, Anh và Mexico. Mỹ, Nga và Brazil là ba quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới 1 ngày qua.

Các cửa hàng bán lẻ đóng cửa do dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 8-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Xét trên bình diện khu vực, châu Mỹ tiếp tục là điểm dịch có nhiều người mắc COVID-19 nhất, với tổng cộng trên 1.917.620 ca và 114.000 người thiệt mạng; châu Âu có tổng cộng trên 1.696.200 ca mắc bệnh, song đứng đầu thế giới về số ca tử vong với trên 157.300 ca; châu Á dù là nơi bùng phát đại dịch (tại Trung Quốc) nhưng tới nay chỉ có 720.802 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 23.200 trường hợp tử vong.
Châu Phi tới ngày 14-5-2020 ghi nhận trên 73.400 ca mắc COVID-19 và 2.491 người thiệt mạng vì dịch bệnh này. Trong khi đó, châu Đại dương là khu vực chịu ảnh hưởng nhẹ nhất, khi mới chỉ có tổng cộng 8.581 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 119 ca tử vong.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 8-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ, tâm dịch của thế giới, đang chứng kiến tình trạng số ca mắc bệnh và tử vong tăng mạnh trở lại sau mấy ngày yên ả.
Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 19.103 ca nhiễm virus SARS-CoV2 và 1.616 ca tử vong, qua đó nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 và tử vong tới thời điểm này lên lần lượt 1.427.739 và 85.041 ca.
Hiện nhiều bang tại Mỹ đang chuẩn bị mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế cộng đồng hạt Los Angeles, bang California (Mỹ), bà Barbara Ferrer, cho biết các quy định giãn cách xã hội tại hạt này, trong đó có thành phố Los Angeles, có thể được gia hạn thực hiện thêm 3 tháng. Bà Ferrer cảnh báo dỡ bỏ các hạn chế quá nhanh có thể dẫn đến tăng số người tử vong và sẽ phải thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt hơn.
Ngày 12-5-2020, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã công bố dự luật giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá hơn 3.000 tỷ USD nhằm tài trợ cho các tiểu bang, doanh nghiệp, hỗ trợ thực phẩm, các gia đình và các nhà dịch tễ học hiện đang theo dõi mức độ của đại dịch COVID-19.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Mexico City, Mexico ngày 6-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trên bình diện khu vực, nhiều nước châu Mỹ đang đứng trước nguy cơ đại dịch COVID-19 leo thang.
Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng cao nhất trong một ngày, với lần lượt 1.997 và 353 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này vẫn cao nhất châu Mỹ, ở mức hơn 10,2%, do trên 70% dân số có bệnh lý nền về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì.
Tại các nước Trung Mỹ khác, tổng số ca nhiễm tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador cũng đã lên đến trên 13.600 ca, trong đó có trên 416 ca tử vong, tăng tương ứng 398 ca nhiễm và 14 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Tại Mỹ Latinh, trong khi Argentina bắt đầu triển khai kế hoạch dỡ bỏ một số hạn chế, Venezuela lại kéo dài các biện pháp phong tỏa cho đến ngày 24-5-2020. Brazil đang trở thành điểm dịch lớn của khu vực và thế giới. Trong vòng 24 giờ qua, xứ sở Samba ghi nhận tới 8.236 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 606 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 tại Brazil tới nay lên lần lượt 185.838 và 13.010 trường hợp.

Pháp cẩn trọng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Ảnh: AFP
Tại Pháp, tính đến 6 giờ sáng 14-5-2020 theo giờ Việt Nam, số ca tử vong do dịch COVID-19 là 27.074 người (tăng 83 ca trong 24 giờ). Hiện Pháp có 21.071 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 524 ca so với hôm trước), trong đó 2.428 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 114 ca). Bên cạnh đó, 58.673 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron và một số bộ trưởng đã họp trực tuyến với các tỉnh trưởng và giám đốc các Cơ quan y tế khu vực, để tổng kết tình hình những ngày đầu tiên dỡ bỏ phong tỏa. Ông Macron khẳng định sẽ liên tục điều chỉnh các biện pháp cần thiết, nhằm đáp ứng tình hình thực tế và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong những ngày và những tuần tới.
Viện nghiên cứu Curie của nước này vừa khởi động một cuộc điều tra về việc có hay không kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2, đối với khoảng 2.500 tình nguyện viên tại vùng thủ đô Ile-de France. Mục tiêu nhằm nghiên cứu sự hiện diện và thời gian tồn tại của kháng thể này trong cơ thể những người có ít hoặc không có triệu chứng của bệnh COVID-19, theo Tiến sĩ Olivier Lantz, chuyên gia về miễn dịch học. Ile-de France nằm trong số 4 vùng có nguy cơ cao, với ước tính 10% đến 15% cư dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Milan, Italy ngày 18-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Italy, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố cho thấy, trong ngày 13-5-2020, quốc gia Nam Âu này ghi nhận 888 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 222.104 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 31.106 trường hợp (tăng 195 ca). Có 3.502 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 112.541 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 893 ca (giảm 59 ca).

Cảnh sát Đức gác tại khu vực biên giới Áo và Đức ngày 7-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13-5-2020, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer thông báo trong tuần này, Đức sẽ bắt đầu nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới được áp đặt nhằm khống chế đà lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chính phủ Áo cũng thông báo nước này và Đức có kế hoạch mở cửa biên giới giữa hai nước vào ngày 15-6-2020 tới, sau 2 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hiện giới chức hai nước đều khẳng định đã kiểm soát được dịch COVID-19 và nằm trong số những nước châu Âu đầu tiên bắt đầu nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Tại châu Á, Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ hai. Ngày 13-5-2020, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo 2 ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau 3 tuần không ghi nhận ca mắc mới.
Đáng chú ý, cả 2 ca này đều không liên quan đến những người ở nước ngoài về. Hiện chính quyền đang nỗ lực truy vết để tìm nguồn lây nhiễm của các ca bệnh mới. Việc phát hiện các ca nhiễm mới làm tăng quan ngại về nguy cơ tái bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng, trong bối cảnh Hong Kong đã mở cửa trở lại các quán bar, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim từ tuần trước.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc ngày 13-5-2020 đã áp đặt những hạn chế mới đối với việc đi lại của người dân nhằm ngăn chặn dịch tái bùng phát, sau khi địa phương này ghi nhận 6 ca mới trong ngày 12-5-2020.
Là thành phố lớn thứ hai thuộc tỉnh Cát Lâm, đồng thời là nơi tiếp giáp Triều Tiên và Nga, Cát Lâm được xem như nơi khởi phát nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới, trong đó thành phố lân cận Thư Lan (Shulan) cùng thuộc tỉnh này cũng đã buộc phải nâng mức độ cảnh báo rủi ro từ "trung bình" lên mức "cao" hồi cuối tuần trước.
Thông báo cùng ngày của Ủy ban Y tế thành phố Cát Lâm cho biết 5 trong số 6 ca nhiễm mới có khả năng liên quan trực tiếp đến một trường hợp được xác nhận ở Thư Lan. Phát biểu tại họp báo ngày 13-5-2020, Phó Thị trưởng Cát Lâm cho biết: "Tình hình dịch hiện tại khá phức tạp và nghiêm trọng, và có nguy cơ rất lớn là virus sẽ lan rộng hơn nữa".
Trong vòng 24 giờ tính tới sáng 14-5-2020, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận 26 ca nhiễm trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực dập ổ dịch mới phát hiện liên quan tới các quán bar và câu lạc bộ ở Seoul. Đây cũng ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới nhiều hơn số ca hồi phục và vẫn ở mức hai con số, làm gia tăng những lo ngại về khả năng làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện tại quốc gia này.
Hết ngày 12-5-2020, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 62.790 ca mắc bệnh COVID-19 và gần 2.000 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực có ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận ca tử vong vì đại dịch.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13-5-2020, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 62.793 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.675 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.989 người dân ở khu vực này, tăng 44 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 19.093 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 689 ca; Philippines và Indonesia cùng ghi nhận số ca tử vong trong ngày là 21 trường hợp.
TTXVN