Diễn văn của lãnh đạo tỉnh tại lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi

16/01/2025 - 05:23

BDK.VN - Tối 15-1-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh (1-1-1900 - 1-1-2025), 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2025), công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 17-1 hàng năm là Ngày truyền thống tỉnh; tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu”, “Công dân Đồng Khởi danh dự” tỉnh Bến Tre lần thứ tư - năm 2025.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trung Hiếu

Tại buổi lễ, Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến có bài diễn văn về sự kiện quan trọng này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! 

Kính thưa đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa đồng chí Trương Tấn Sang - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, quý Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới,

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa đồng bào, đồng chí,

Hôm nay, trong không khí phấn khởi vui tươi của những ngày đầu năm 2025, hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2025), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh (1-1-1900 - 1-1-2025), 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2025), công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 17-1 hàng năm là Ngày truyền thống tỉnh; tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu”, “Công dân Đồng Khởi danh dự” tỉnh Bến Tre lần thứ tư - năm 2025.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bến Tre, tôi nhiệt liệt chào mừng đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham dự lễ, trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, quý Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, quý đại biểu, đồng bào, đồng chí những tình cảm sâu sắc, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Trong giờ phút thiêng liêng này, toàn Đảng, toàn dân và quân Bến Tre thành kính tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại; chúng ta khắc ghi và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các thế hệ cán bộ, đồng chí, đồng bào đã đóng góp công sức, trí tuệ vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và quê hương.

Kính thưa đồng bào, đồng chí,

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1757, một phần vùng đất Bến Tre ngày nay gồm cù lao Bảo và cù lao Minh mới được sáp nhập vào dinh Long Hồ, phủ Gia Định và chính thức có tên trên bản đồ nước ta. Từ năm 1779 đến năm 1899, vùng đất Bến Tre từ tổng Tân An, nâng lên thành huyện Tân An, rồi thành phủ Hoằng An, sau những lần tách nhập trở thành phủ Hoằng Trị thuộc tỉnh Vĩnh Long; đến thời Pháp thuộc đổi gọi là hạt thanh tra (còn gọi là sở tham biện) Bến Tre thuộc khu vực Vĩnh Long. Ngày 1-1-1900, nhà cầm quyền Đông Dương ra nghị định, Bến Tre chính thức thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm cù lao Minh, cù lao Bảo với 21 tổng, 144 làng, với dân số hơn hai trăm nghìn người (223.405 người). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bến Tre được đổi tên thành tỉnh Đồ Chiểu. Năm 1948, cù lao An Hóa (thuộc tỉnh Mỹ Tho) và 6 xã thuộc khu vực phía trên của cù lao Minh (thuộc tỉnh Vĩnh Long) được sáp nhập vào tỉnh Bến Tre để trở thành một địa bàn thống nhất như hiện nay gồm 3 dải cù lao với 9 đơn vị hành chính cấp huyện với dân số hơn 1,3 triệu người.

Nguồn gốc dân cư ở Bến Tre đến từ miền Trung, chủ yếu là người Việt vùng Ngũ Quảng từ thế kỷ XVIII, đoàn người di chuyển trên những chuyến ghe bầu đến định cư ở các cửa sông rồi dần tiến sâu vào nội địa. Hành trang của đoàn người di cư mang theo vào vùng đất mới không chỉ là sức lao động và vật lực mà còn là vốn văn hóa đặc sắc từ quê hương Ngũ Quảng. Những yếu tố văn hóa này đã được tái tạo, sáng tạo theo cách riêng, phù hợp với vùng đất mới, tạo nên những nét đẹp văn hóa mang dấu ấn đặc trưng của vùng đất “ba dải cù lao”, làm nên văn hóa, con người Bến Tre: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, bản lĩnh, tự cường, tự trọng, trách nhiệm, hợp tác, sáng tạo… được hun đúc nhiều đời kết thành “dáng đứng Bến Tre”, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đa dạng trong sự thống nhất.

Từ lâu, Bến Tre được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sản sinh nhiều danh nhân nổi bật trong lịch sử của dân tộc Việt Nam và cũng là nơi yên nghỉ của những người đã cống hiến lớn lao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước qua các thời kỳ lịch sử: Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu; Danh sư Võ Trường Toản; nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị; Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng; cụ Lê Quang Quan (Tán Kế); Nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam, chủ bút tờ “Nữ giới chung” Sương Nguyệt Anh... và không thể không nhắc đến cô Ba Định - Nữ tướng Nguyễn Thị Định, người lãnh đạo xuất sắc và là linh hồn của cuộc Đồng khởi Bến Tre năm 1960, vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nữ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước) đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và còn rất nhiều các bậc danh nhân, học giả, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh, nhân sĩ, trí thức…

Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre (1-1-1900 - 1-1-2025) là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, tri ân đối với các bậc “khai quốc công thần”, “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”, truyền cảm hứng thôi thúc các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ phấn đấu vươn lên, sao cho xứng đáng với sự kỳ vọng của các thế hệ cha, anh, giữ gìn truyền thống ấy để làm hành trang xây dựng quê huơng, đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển bền vững.

Tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trung Hiếu

Kính thưa đồng bào, đồng chí,

Cứ mỗi độ xuân về, trong ký ức của mỗi người dân Bến Tre nói chung và người dân Mỏ Cày nói riêng, bồi hồi nhớ lại hình ảnh ngọn đuốc lá dừa sáng rực và âm vang tiếng trống, tiếng mõ của phong trào Đồng khởi 65 năm trước hiển hiện trong tâm trí của mỗi chúng ta. Theo dòng lịch sử những năm 1957 - 1959, cách mạng miền Nam cực kỳ khó khăn, chính quyền Mỹ - Diệm tăng cường các hoạt động đàn áp, khủng bố, dựng lên đồn bót khắp nơi, mở chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, áp dụng Luật 10/59, công khai đặt những người Việt Nam yêu nước - mà chúng gọi là Cộng sản, ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém khắp miền Nam để giết hại tất cả các lực lượng cách mạng và đồng bào ta, gây ra bao tội ác kinh hoàng; cả miền Nam chìm trong biển máu. Ở Bến Tre, đến cuối năm 1959, chúng bắt tù đày trên 17 ngàn người, hàng ngàn người bị giết hại; từ chỗ toàn tỉnh có trên 2 ngàn đảng viên với 117 chi bộ, chỉ còn 162 đảng viên với 18 chi bộ nhưng Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre luôn giữ vững niềm tin vào Đảng và Bác Hồ. Và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) ra đời như “nắng hạn gặp mưa rào”, đáp ứng được khát khao, nguyện vọng của toàn dân. Tỉnh ủy Bến Tre đã lãnh đạo Nhân dân bằng ba mũi giáp công (chính trị, binh vận, quân sự) vùng lên khởi nghĩa. Đêm 17-1-1960, quần chúng nhân dân từ các xã, ấp được vận động tổ chức tham gia vào tất cả các hoạt động nổi dậy diệt ác, phá kìm, diệt tề, trừ gian, lấy các “Tổ hành động” trong nhân dân làm nòng cốt hành động theo khẩu hiệu “Đánh phải đánh tới tấp; Phát triển phải phát triển hết khả năng không hạn chế; Khi sóng gió nổi lên thuyền phải căng buồm lướt sóng” nổ ra đồng loạt trên khắp địa bàn, mở màn ở 3 xã thuộc huyện Mỏ Cày: Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp, sau đó lan rộng ra các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Thạnh Phú, Ba Tri và nhanh chóng lan ra toàn tỉnh, toàn khu, toàn miền để trở thành cao trào “Đồng khởi” với sức mạnh “long trời lở đất” không gì dập tắt được. Khí thế cách mạng của quần chúng Nhân dân trong Đồng khởi được nhà thơ Tố Hữu diễn tả trong bài thơ “Lá thư Bến Tre” thật sôi động: “Người chết đi cùng người sống đây/ Tử sinh một dạ, trả thù này/ Võ trang mấy trận, vang Bình Đại/ Cờ phất, bừng tươi đất Mỏ Cày”. Sau 1 năm Đồng khởi, Bến Tre đã san bằng hơn 100 đồn bót, phá rã toàn bộ bọn tề điệp và bộ máy kiềm kẹp ở nông thôn, 51/115 xã được giải phóng hoàn toàn, 21/115 xã giải phóng một phần; nhân dân làm chủ toàn bộ địa bàn nông thôn, thành lập chính quyền nhân dân các cấp.

Phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu, là nét son chói lọi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Mở ra bước ngoặc chiến lược của cách mạng miền Nam, chuyển từ thế đấu tranh chính trị, phòng ngự, giữ gìn lực lượng sang thế kết hợp đấu tranh chính trị và tiến công vũ trang. Ý nghĩa và tầm vóc của cuộc Đồng khởi 1960 ở Bến Tre thật sự đã để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã được khẳng định qua kết luận của Đại tướng Hoàng Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương tại Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tỉnh Bến Tre (tháng 7-1982): “Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre là một cao trào cách mạng”, “là sản phẩm đầu tiên của Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháo gỡ mọi ràng buộc, chắp cánh cho quần chúng đứng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng”; “Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu; nó đã có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung”.

Chúng ta có thể tự hào khẳng định, thắng lợi của phong trào Đồng khởi là một minh chứng, làm sáng tỏ tính đúng đắn và kịp thời của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, sự chỉ đạo của Khu ủy và sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ Bến Tre, bằng tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm bám dân, bám đất để chiến đấu; một bài học quý báu về “ý Đảng - lòng Dân”, về tinh thần gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân; về sự gắn bó “quân dân - cá nước”; về sự tập hợp, động viên mọi khả năng của quần chúng…, là yếu tố quyết định thắng lợi mọi phong trào cách mạng, mãi còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.

Với thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của phong trào Đồng khởi 1960 và thắng lợi của Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Bến Tre đã vinh dự được Bộ Chỉ huy Miền tuyên dương, phong tặng 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy” và tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - “Đội quân tóc dài” đã được trao danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân để ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc của “Đội quân tóc dài” trong phong trào cách mạng của quê hương Bến Tre và cả nước. Đặc biệt, ngày 27-11-2024, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 17-1 hàng năm là ngày truyền thống tỉnh Bến Tre, thêm một lần nữa khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cuộc Đồng khởi 1960 ở Bến Tre, đồng thời là một sự công nhận mang ý nghĩa pháp lý “Bến Tre là quê hương Đồng khởi”, giúp mọi người và thế hệ trẻ Bến Tre hiểu đầy đủ và sâu sắc về truyền thống lịch sử của quê hương, khắc sâu những chiến công oanh liệt, những tấm gương anh hùng và những địa danh lịch sử đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân Bến Tre qua nhiều thế hệ.

Để có được những vinh dự cao quý này, Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, với 56 xã và 6 vùng an toàn khu; gần 7.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 35.000 liệt sĩ, 20.000 thương, bệnh binh; hàng chục ngàn gia đình người có công và hàng trăm ngàn người đã đóng góp công sức, hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước và cuộc sống thanh bình của quê hương Bến Tre, quê hương xứ dừa Đồng khởi ngày nay.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Trung Hiếu

Kính thưa đồng bào, đồng chí,

Càng vinh dự, tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương Đồng khởi, Đảng bộ, Nhân dân Bến Tre càng ý thức trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương sao cho xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của các bậc tiền nhân, thế hệ hôm nay luôn giữ gìn, vun đắp truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, quật khởi trong chiến đấu, vận dụng, sáng tạo và phát huy truyền thống cuộc Đồng khởi năm 1960, cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, nghị quyết, các chương trình hành động cách mạng, nhất là phong trào thi đua “Đồng khởi mới” đã kết nối tạo thành một dòng chảy liên tục và vô tận giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Từ cuộc Đồng khởi 1960 đến Chỉ thị số 01-CT/TV ngày 2-1-1977 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa I, đến Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 17-10-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI là sự kế thừa liên tục và phát huy mạnh mẽ phong trào Đồng khởi mới theo yêu cầu, nhiệm vụ mới của từng giai đoạn khác nhau. Trong đó, hồn cốt vẫn là bài học kinh nghiệm quý báu “ý Đảng - lòng Dân”, sự thống nhất đồng lòng - đồng loạt - đồng bộ của toàn Đảng, toàn dân và quân Bến Tre trong mọi phong trào hành động cách mạng, là ý chí kiên cường vượt qua mọi khó khăn, trở lực; bám dân, bám đất và vì dân, vì sự phát triển của quê hương. Với phương châm “Hai chân - Ba mũi” trong phong trào thi đua “Đồng khởi mới” hôm nay đã tạo nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết hằng năm và nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ. Đặc biệt, trong năm 2024, với cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; nhiều kết quả đạt và vượt so với nghị quyết đề ra, với nhiều con số ấn tượng. Lần đầu tiên, Bến Tre đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 2,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,75 tỷ USD, xuất khẩu ngành dừa đạt 0,52 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.632,9 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 6.513 tỷ đồng, đạt 113,97% dự toán Trung ương giao, đạt 112,42% dự toán địa phương phấn đấu, tăng 18,62% so với cùng kỳ. Hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng xã nông thôn mới trước 1 năm so với chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, tăng hơn 2 lần so với giai đoạn trước (113/132 xã, đạt 85,6%, vượt 5,6%). Đặc biệt, huyện Mỏ Cày Nam, sau 65 năm kể từ ngày Đồng khởi, phát huy mạnh mẽ tinh thần Đồng khởi năm xưa, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tập trung xây dựng và phát triển các lĩnh vực, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện nông thôn mới, là huyện nông thôn mới thứ 2 của tỉnh, xứng đáng là “cái nôi” của phong trào Đồng khởi anh hùng.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo và Nhân dân Bến Tre, tôi trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt là cá nhân đồng chí Phó Thủ tướng Lê Thành Long; cảm ơn các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế; các tổ chức, cá nhân, những người con quê hương Bến Tre trong và ngoài nước, cùng tất cả những người có tình cảm đặc biệt với Bến Tre đã dành sự quan tâm, hỗ trợ chí tình cho sự phát triển của Bến Tre trong thời gian qua và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh, thành bạn, các tổ chức và cá nhân trong thời gian tới để giúp Bến Tre ngày càng phát triển cùng xu thế chung của cả nước.

Kính thưa quý đại biểu, các đồng chí,

Trong buổi lễ kỷ niệm trang trọng hôm nay, chúng ta tổ chức tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” lần thứ tư - năm 2025 cho những cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Bến Tre trên các lĩnh vực. Đây là hoạt động nhằm ghi nhận và tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, những người con quê hương Bến Tre, và cả những tấm lòng nhân ái, nghĩa tình cao đẹp dù không phải là người con Bến Tre hay Việt Nam nhưng hết lòng vì quê hương, đồng bào Bến Tre, đóng góp và có nhiều cống hiến cho sự phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn cách mạng mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam 
và Giáo sư Shimizu Masaaki - Trưởng bộ môn Tiếng Việt -  Khoa Ngoại ngữ - Đại học Osaka. Ảnh: Trung Hiếu

Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng các cá nhân được trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu”, “Công dân Đồng Khởi danh dự” tại buổi lễ tôn vinh, tuyên dương hôm nay. Đây sẽ là những tấm gương sáng góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương Đồng khởi, quê hương xứ Dừa.

Kính thưa quý đại biểu, các đồng chí,

Lịch sử Bến Tre không chỉ gắn liền với những trang sử vẻ vang của việc khai hoang, mở cõi từ thuở xa xưa mà còn là mảnh đất anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, góp phần quan trọng vào công cuộc giữ gìn nền độc lập, tự do của dân tộc. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và phát triển, chúng ta tự hào tiếp bước truyền thống của cha anh bằng những nhiệm vụ cụ thể, xây dựng và phát triển tỉnh nhà, hướng tới một tương lai giàu mạnh, văn minh. Tinh thần cách mạng của các thế hệ đi trước sẽ luôn là ngọn đuốc soi đường, truyền cảm hứng cho các thế hệ hôm nay và mai sau hoàn thành trọng trách của mình đối với quê hương, đất nước. Tại buổi lễ trang trọng này, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, phát huy hơn nữa truyền thống Đồng khởi anh hùng, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt tinh thần anh dũng, ý chí tự lực tự cường, không khuất phục, lùi bước trước khó khăn thử thách, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, đưa phong trào thi đua “Đồng khởi mới” ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, là động lực tinh thần quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với quyết tâm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nên thế và lực mới cho tỉnh nhà, hiện thực hóa khát vọng Bến Tre vươn mình cùng cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới; trước mắt là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh nông thôn mới trước năm 2030 và triển khai Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 12-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung huy động nguồn lực mở rộng không gian phát triển của tỉnh về hướng Đông.

Thứ hai, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa ổn định và phát triển. Lãnh đạo thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp, vận động quần chúng nhân dân; giữ gìn mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân, tin dân, dựa vào dân và vì dân, phát huy sức sáng tạo của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, đặc biệt là động viên, khuyến khích ngày càng nhiều những cá nhân tiêu biểu, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương; quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, cho gia đình chính sách, người có công và tất cả những hoàn cảnh khó khăn với tinh thần không để ai ở lại phía sau, huy động mọi nguồn lực xã hội hoàn thành mục tiêu xóa “nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giúp mọi người dân có điều kiện an cư - lạc nghiệp.

Trong sự nghiệp này, mỗi người dân Bến Tre hôm nay dù ở nơi đâu, cũng luôn ý thức trách nhiệm của mình, chung sức, đồng lòng góp phần xứng đáng cho quê hương, đưa cuộc “Đồng khởi mới” giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Đó cũng chính là trách nhiệm với truyền thống cách mạng, là sứ mệnh thiêng liêng được cha, ông trao gửi; với niềm vinh dự, tự hào trong lòng mỗi chúng ta, là sự giữ gìn, kết nối giữa truyền thống - hiện tại và tương lai, đồng thời mỗi người dân Bến Tre chúng ta cùng trăn trở, thổn thức và tìm câu trả lời thiết thực và ý nghĩa nhất: Làm gì để Bến Tre phát triển. Làm gì để xứng đáng với truyền thống của quê hương Đồng khởi anh hùng! Nếu 65 năm trước, chỉ với 162 đảng viên, trong tình thế cách mạng vô cùng khó khăn đã làm nên cuộc Đồng khởi hào hùng, thì hôm nay với hơn 59 ngàn đảng viên, Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre tự tin bước vào kỷ nguyên mới. Muốn “vươn mình”, để tăng tốc, để bứt phá thì hơn bao giờ hết cần có sự đoàn kết thống nhất về ý chí, khát vọng và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thể hiện hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu của mình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhân dịp Tết đến Xuân về, một lần nữa thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre, kính chúc đồng chí Phó Thủ tướng Lê Thành Long, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, quý Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, quý vị đại biểu cùng toàn thể đồng bào, đồng chí luôn mạnh khỏe, đón một mùa Xuân mới, Xuân Ất Tỵ an lành, hạnh phúc! Năm mới thắng lợi mới!

Xin trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN