 |
Chú trọng công nghệ sấy khô lúa và hoa màu trong phát triển công nghiệp chế biến lương thực. |
Bến Tre có lợi thế về kinh tế vườn và kinh tế biển. Sản lượng hàng nông thủy sản được khai thác với mức độ cao. Về quan điểm phát triển, tỉnh ta xác định cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, thực phẩm (NTSTP), chuyển dần cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; trong đó, chế biến dừa và thủy sản là hai ngành chủ lực.
Để theo kịp đà phát triển chung của ngành công nghiệp chế biến NTSTP của cả nước và khu vực, tỉnh đã xây dựng một số định hướng lớn cho sự phát triển của ngành đến năm 2020. Đó là cần tập trung tối đa các nguồn lực để thực hiện tốt các dự án cho phát triển công nghiệp chế biến NTSTP trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh và khu vực. Việc thực hiện phải gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; trong đó, cần chú trọng đổi mới công nghệ và tính toán kỹ để cân đối phát triển công nghiệp chế biến NTSTP trên cơ sở vùng nguyên liệu, nguồn lao động sẵn có. Từ đó, đảm bảo hiệu quả phát triển bền vững của ngành cũng như bảo vệ môi sinh, môi trường.
Mục tiêu của việc phát triển nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp chế biến NTSTP toàn tỉnh từ 3.850 tỷ đồng (năm 2010) lên 11.287 tỷ đồng vào năm 2015 và đạt 30.506 tỷ đồng vào năm 2020. Đảm bảo mức tăng trưởng bình quân trong từng giai đoạn 5 năm từ 22 đến 24%. Trong đó, tập trung cho sản xuất, chế biến các sản phẩm chính: thủy sản chế biến, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, bánh kẹo, đường kết tinh, cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, nước mắm, cacao.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển, tỉnh đã xây dựng nội dung quy hoạch từng ngành, từng giai đoạn. Trong đó, tỉnh chủ trương huy động mọi nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển. Đặc biệt về chế biến thủy sản, trong giai đoạn đầu (2011-2015), tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện nhà máy chế biến cá hộp, công suất 22.000 tấn/năm; duy trì công suất của các nhà máy chế biến thủy sản hiện có trên địa bàn. Song song là kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến cá xay, chả cá và 2 đến 3 nhà máy chế biến thủy sản với công suất 5.000-10.000 tấn/năm/nhà máy. Giai đoạn hai (2016-2020) là tiếp tục nâng cấp, xây dựng mới các nhà máy trên cơ sở đã xây dựng tốt vùng sản xuất nguồn nguyên liệu và các mối quan hệ về thị trường tiêu thụ.
Về chế biến dừa, trong giai đoạn đầu, tỉnh cũng sẽ thu hút, vận dụng nhiều nguồn lực vào đầu tư nâng cấp công suất các cơ sở chế biến cơm dừa nạo sấy hiện có; tiếp tục đầu tư hoàn thiện nhà máy sản xuất sữa dừa tại Khu Công nghiệp Giao Long đạt 4.000 tấn/năm, các nhà máy sản xuất mụn dừa, kêu gọi đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến mụn dừa xuất khẩu, công suất 700-800 tấn/năm. Giai đoạn sau sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà máy, nâng cao công suất chế biến. Ngoài ra, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thạch dừa, nệm xơ dừa tại các khu công nghiệp.
Đối với lĩnh vực chế biến lương thực - thực phẩm, hướng đầu tư chính là cần nhanh chóng áp dụng công nghệ và trang thiết bị các khâu xử lý và chế biến sau thu hoạch. Để tránh thất thoát sau thu hoạch, cần phổ biến và phát triển công nghệ sấy lương thực trong sản xuất nông nghiệp; kết hợp nhiều hình thức để làm lúa và hoa màu; từng bước phát triển các thiết bị sấy với quy mô và trình độ công nghệ phù hợp; đối với các hộ và liên hộ sản xuất, có thể trang bị các máy sấy có công suất lớn.
Việc phát triển công nghiệp chế biến NTSTP định hướng đến 2020 gắn với việc phát huy hiệu quả tại các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Để đảm bảo phát triển ngành bền vững, tỉnh cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc xử lý chất thải ra môi trường ngay từ lúc xây dựng quy hoạch.