Ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng, quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh. Đây là những ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu công nghiệp, có vị trí chi phối và ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều sản phẩm công nghiệp khác, có sự cạnh tranh cao trên thị trường trong, ngoài nước. Đồng thời, là các ngành có điều kiện phát triển trong thời gian tới cần thu hút đầu tư.

Giờ làm việc của công nhân Công ty may Việt Hồng. Ảnh: H.Hiệp
Công nghiệp ưu tiên gồm công nghiệp may, da giày, công nghiệp nông sản, thủy sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, công nghiệp sản xuất các sản phẩm mới. Ngành công nghiệp mũi nhọn gồm công nghiệp chế biến thủy sản, các sản phẩm cơm dừa nạo sấy, công nghiệp cơ khí chế tạo, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin.
Mục tiêu đến năm 2020, tập trung đầu tư công nghiệp chế biến dừa và chế biến thủy sản là hai ngành công nghiệp chủ lực chi phối đến sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh và có khả năng phát triển, góp phần đẩy nhanh phát triển công nghiệp, tỷ trọng đóng góp ngày càng tăng trong cơ cấu GDP của tỉnh, từ 14% năm 2010 lên 20,4% năm 2015, 31% năm 2020. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm mới có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Đến năm 2015 chú trọng sản xuất các sản phẩm may mặc, giày dép xuất khẩu. Khuyến khích đầu tư xây dựng mới các dây chuyền sản xuất ngành may mặc, thêu, thảm xơ dừa, va-li, túi xách. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sản xuất nguyên liệu, phụ liệu cho ngành dệt may nhằm từng bước phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động trong sản xuất, hạn chế nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm. Tập trung thu hút đầu tư các dự án có qui mô vừa và lớn, nhất là các dự án công nghiệp phụ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Các nhóm, ngành công nghiệp nông sản, thủy sản, thực phẩm tập trung thu hút đầu tư để chế biến phục vụ xuất khẩu. Chú trọng công nghiệp sản xuất các sản phẩm mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, công nghiệp phần mềm. Đặc biệt, xác định công nghiệp chế biến thủy sản là khâu quan trọng tạo các sản phẩm có giá trị cao nên cần tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển các nhà máy chế biến xuất khẩu. Trong đó, đặc biệt ưu tiên chế biến tôm, cá, nghêu có qui mô từ 1.000 - 5.000 tấn/nhà máy với công nghệ hiện đại, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Nhật, Mỹ, EU.
Để phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên cần có chính sách khuyến khích cụ thể và các giải pháp chủ yếu, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Xây dựng các chương trình, kế hoạch hàng năm về xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh. Thường xuyên hoàn thiện nội dung, hình thức thu hút đầu tư theo hướng cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp thấy được lợi ích từ môi trường đầu tư của tỉnh. Chú trọng đến những tập đoàn đa quốc gia có tiềm năng về công nghệ, thị trường, vốn để kéo theo các vệ tinh sản xuất linh kiện, phụ tùng. Thông qua các nhà đầu tư đã đầu tư vào tỉnh bằng hình thức hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và cung cấp thông tin về định hướng phát triển của tỉnh. Đầu tư nguồn lực tương xứng để mở rộng qui mô và chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là mở rộng ra nước ngoài. Thường xuyên tổ chức và nâng cao tính chuyên nghiệp của các hội chợ, triển lãm, hội thảo chuyên đề để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.