Định hướng phát triển doanh nghiệp chuyển đổi số

21/09/2020 - 06:52

BDK - Phát triển doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số (CĐS) là một trong những nội dung trọng tâm được tỉnh quan tâm triển khai trong thời gian tới. “Muốn phát triển DN công nghệ số (CNS), tỉnh phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN phát triển nhanh, bền vững; phát triển nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng CNS rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Văn Nam - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.

Triển khai cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho doanh nghiệp và người dân.

Triển khai cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho doanh nghiệp và người dân.

Doanh nghiệp chuyển đổi số

Tỉnh hiện có khoảng 4.475 DN, trong đó, có 80 DN đã đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Có 700 người làm việc CNTT trong các DN CNTT, thu nhập bình quân khoảng 44 triệu đồng/người/năm. Tổng doanh thu CNTT năm 2019 gần 1.256,4 tỷ đồng.

Thực trạng trên cho thấy, tỉnh chưa phát triển mạnh mẽ loại hình doanh nghiệp số (DNS). Tuy nhiên, đây được xem là điểm thuận lợi để tỉnh phát triển DN CNS dựa trên xuất phát điểm bằng 0.

Tại buổi làm việc trực tuyến với Tỉnh ủy, UBND tỉnh gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tỉnh nên phát triển loại hình DN CNS. Với quy mô chỉ từ 5 - 10 người, công việc của nhóm DN này chủ yếu là mang máy móc, thiết bị tới lắp tại các hộ gia đình. Đây chính là các DN CNS địa phương để phục vụ cho việc CĐS.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để CĐS, trước hết phải có hạ tầng ICT mạnh. Tỉnh cần định hướng phát triển hạ tầng ICT cho các DN tại địa phương theo mục tiêu, kế hoạch hàng năm; đẩy mạnh chương trình Mỗi người dân một chiếc smartphone, mỗi hộ gia đình một đường truyền Internet cáp quang. Việc CĐS nên tập trung vào một số nội dung quan trọng như: thanh toán di động, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, học trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chính quyền số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, sử dụng CNS để giải bài toán xử lý ngập mặn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến nghị tỉnh sớm đẩy tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên mức 100%. Cần xây dựng chính quyền số từ cấp thấp nhất là chính quyền xã, rồi đến huyện, tỉnh.

4 loại DN CNS cần tập trung phát triển bao gồm: Các tập đoàn, DN thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực CNS, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; các DN CNTT đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ CNS và chủ động trong sản xuất; các DN khởi nghiệp ứng dụng CNS để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; các DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về CNS.

Hỗ trợ phát triển

Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Nam cho rằng, để thúc đẩy DNS trên địa bàn tỉnh, đầu tiên cần nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN CNS; đẩy mạnh cung cấp thông tin phục vụ phát triển DNS, tạo điều kiện thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh ứng dụng CNS và tạo thuận lợi cho DNS tiếp cận đất đai.

Các cơ quan chức năng tỉnh cần tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để khuyến khích, phát triển mới các loại hình DN, đặc biệt là DN CNS, DN ứng dụng CNS để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, hiệu quả cao. Chủ động rà soát các điều kiện kinh doanh chuyên ngành để tạo điều kiện phát triển DN CNS trong lĩnh vực quản lý. Tổ chức tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về phát triển và ứng dụng CNS trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên sử dụng các sản phẩm của  DN CNS Việt Nam trong hoạt động của cơ quan. Thực hiện các đột phá chiến lược, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Triển khai có hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng - DN gắn với chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN, đặc biệt DN CNS, DN ứng dụng CNS để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, ưu tiên vốn tín dụng cho các DN CNS. Quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN để tăng cường đầu tư cho ứng dụng và đổi mới công nghệ của DN. Đảm bảo hạ tầng mạng viễn thông, CNTT và truyền thông đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Việc CĐS dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là CNS bao gồm: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật. CĐS đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử.

CĐS mở ra cơ hội lớn cho tỉnh phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các tỉnh khác - cũng chỉ mới bắt đầu quá trình CĐS. Do đó, phát triển các DN ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên CNS để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà CĐS mang lại khi đưa được CNS vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN