Cách nay hơn hai năm, một vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra trên địa bàn huyện Châu Thành: người điều khiển ô-tô do uống nhiều rượu bia đã tông và kéo lê một đoạn khá dài trên đường (đoạn đến gần ngã tư huyện), làm chết hai vợ chồng người đang điều khiển xe gắn máy. Nghe đâu người gây tai nạn là một “đại gia” có tiếng kinh doanh ở địa phương.
Không hiểu việc xử lý người gây tai nạn đến đâu nhưng chắc hẳn số tiền chẳng nhỏ mà vị “đại gia” này bỏ ra sau đó để gọi là “khắc phục” hậu quả, đã làm nhẹ tội danh cho ông ta. Đó cũng là một trong nhiều trường hợp không hiếm đã và đang diễn ra sau mỗi vụ tai nạn trên đất nước ta lâu nay.
Còn mới đây, có một trường hợp theo chiều hướng ngược lại. Tuy hậu quả không lớn nhưng để lại đôi điều đang suy ngẫm.
Một phụ nữ đi xe máy, chở người chị ở phía sau và đứa con trai độ 4 tuổi ngồi phía trước. Khi đến giao lộ ngã tư Tú Điền (hướng từ xã Hữu Định đến TP. Bến Tre), gặp đèn đỏ, người phụ nữ cho xe dừng lại đúng làn đường quy định. Chờ đen xanh bật sáng đến 7 - 8 giây, chị mới cho xe rẽ sang phải, hướng về vòng xoay ngã tư Phú Khương. Đúng lúc ấy, có chiếc xe máy khác do một thanh niên điều khiển từ hướng Phú Hưng lên, đã vượt đèn đỏ với tốc độ nhanh, nên tông ngay vào xe chị phụ nữ và làm cả hai xe đều ngã. Rất may, cậu con trai và người phụ nữ ngồi phía sau chỉ bị xây xát nhẹ, còn chị phụ nữ cầm lái bị gãy xương cổ chân, phải bó bột. Khổ nỗi, do nhà đơn chiếc nên chồng chị đang công tác dài ngày tại TP. Hồ Chí Minh phải xin nghỉ phép để về chăm sóc vợ và nuôi hai con nhỏ.
Lúc xảy ra tai nạn, hiện trường không được giữ nguyên, chờ lực lượng chức năng đến xử lý. Do vậy, khi được hỏi về trách nhiệm của phía gây tai nạn, chị phụ nữ cho biết người thanh niên ấy chỉ đưa 1 triệu đồng và phân bua rằng anh ta quá... nghèo, rồi “biến” mất dạng từ đó đến nay.
Trường hợp của chị phụ nữ trên không phải cá biệt. Thường thường, khi xảy ra một vụ tai nạn giao thông, đến phần khắc phục hậu quả, rất nhiều thanh niên than vãn về gia cảnh khốn khó và có lẽ xuất phát từ lòng thương người, nên phần lớn số nạn nhân thường du di và tự an ủi là do “vận xui” của mình đã đến (!?).
Thế nhưng, nếu quan sát sinh hoạt giao thông hàng ngày ở TP. Bến Tre hoặc các thị trấn, thị tứ, những nơi đông dân cư, nhiều người sẽ không khó để nhận thấy “tài xế” của những chiếc xe máy chở bình gas, nước đá, trái cây, bia, nước ngọt... luôn chạy lạng lách như chỗ không người, chủ yếu để được việc cho họ. Đặc biệt, những người sửa xe hoặc bảo trì xe của các đại lý có tiếng... khi điều khiển để thử xe cho khách hàng, dường như có suy nghĩ họ là “thầy” lái xe, mà quên rằng mình chỉ là... anh “thợ” sửa xe - hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Và từ những hoạt cảnh bát nháo ấy, tất nhiên không ít tai nạn đã xảy ra, dẫn đến một số hậu quả đau lòng mà người khác phải gánh chịu nhưng cuối cùng, những “người tài xế” này luôn lấy điệp khúc “Em (cháu) nghèo quá, mong anh (dì) thông cảm!”.
Thế nên, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về chấp hành luật lệ giao thông, đã đến lúc mọi người cần có cái nhìn đúng đắn đối với mỗi cá nhân vi phạm, để từ đó có cách cư xử đúng với quy định của pháp luật và đạo lý giữa người với người. Đồng thời, mỗi người đều phải được đối xử bình đẳng: Dù đã khắc phục hậu quả bằng tiền, “người có tiền”, hay “người nghèo” đều phải bị chế tài nhằm đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Chỉ có vậy mới góp phần giáo dục mọi công dân: Sống phải biết thượng tôn pháp luật.