Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi làm việc tại tỉnh

05/05/2020 - 13:39

BDK.VN - Sáng 5-5-2020, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi do Phó Tổng cục Lương Văn Anh làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh về công tác điều hành, phòng chống hạn mặn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm cùng lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan tiếp và làm việc cùng đoàn.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi khảo sát thực tế đập tạm ngăn mặn Ba Lai.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi khảo sát thực tế đập tạm ngăn mặn Ba Lai.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tình hình xâm nhập mặn sớm, cao, khốc liệt chưa từng có trong lịch sử đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, lúa vụ Thu Đông 2019, tỉnh có 114ha diện tích bị ảnh hưởng; vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh đã có chủ trương không sản xuất nhưng do người dân tự ý xuống giống dẫn đến 5.287ha bị ảnh hưởng. Gần 35 ngàn ha diện tích rau màu, cây ăn trái, cây dừa và 600ha cây giống, 1,2 triệu cây hoa kiểng các loại bị ảnh hưởng. Có 1.890 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Theo số liệu thống kê tại thời điểm mặn gay gắt nhất, tỉnh có gần 87 ngàn hộ dân thiếu nước ngọt. Các lĩnh vực công nghiệp, thi công xây dựng, đô thị… cũng bị ảnh hưởng.

Để đáp ứng với tình hình hạn mặn, ngay từ cuối 2019, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình để cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt cho người dân. Từ nguồn vốn ngân sách 70 tỷ đồng, 9 tỷ đồng và nhiều hiện vật của nguồn kinh phí vận động, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh đã góp phần cung cấp hàng ngàn mét khối nước ngọt cho người dân.

Phó tổng cục Thủy Lợi Lương Văn Anh cho rằng: Các giải pháp trữ nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua là hiệu quả. Đồng thời đề nghị tỉnh rà soát lại toàn bộ khu vực thiếu nước sạch, số hộ nào bị ảnh hưởng hạn mặn, số hộ thiếu dụng cụ trữ nước.

“Rút kinh nghiệm từ năm 2015-2016, đặc biệt tình hình hạn mặn 2019-2020, tỉnh phải có kế hoạch, giải pháp và tuyên truyền sớm; tính toán tích trữ nước bao nhiêu để trong thời gian tới nếu có hạn mặn vẫn đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân. Khuyến cáo người dân chủ động trữ nước nhằm đảm bảo nước ngọt đáp ứng từ 5 đến 6 tháng. Đến khi, hệ thống thủy lợi khép kín sẽ tích trữ nước ngọt cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt cũng như tất cả các mục đích khác được đảm bảo” - ông Lương Văn Anh cho biết.

Dịp này, đoàn công tác kiểm tra thực tế đập tạm ngăn mặn Ba Lai huyện Châu Thành. Hoạt động của đoàn nhằm nắm thông tin chuẩn bị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, mùa khô 2019-2020 của Chính phủ trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN