Doanh nghiệp bất động sản linh hoạt chuyển đổi mô hình

22/03/2024 - 05:42

BDK - Trước tình hình khó khăn chung của kinh tế thị trường, lĩnh vực bất động sản (BĐS) cũng rơi vào trạng thái đóng băng. Tại tỉnh, nhiều dự án về đô thị, nhà ở đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác triển khai. Tuy nhiên, điều khởi sắc là một số doanh nghiệp (DN) đã linh hoạt chuyển đổi mô hình phát triển BĐS thuần túy sang kết hợp kinh doanh hàng hóa, phục vụ tiêu dùng, các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống và du lịch xanh.

Tập đoàn Bảo Trâm đầu tư 4ha để xây dựng siêu thị, khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái vườn dừa, dự kiến sẽ hoàn thành dịp 30-4-2024.

Chủ tịch Hội DN TP. Bến Tre Nguyễn Trường Hải (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Trâm) cho rằng: Ngày nay trong bối cảnh kinh tế còn nhiều rủi ro, thách thức thì cũng có những cơ hội mới mà DN phải thay đổi, nắm bắt. Đó là đã có những cơ chế bắt đầu mở, rõ ràng, các luật liên quan đã được áp dụng và các DN buộc phải nâng cao ý thức hoạt động tuân thủ quy định pháp luật, khi đó mới bền vững. Chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương có sự quan tâm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn. Về phía DN cũng đón nhận cơ hội để phát triển, chuyển mình, tạo môi trường kinh doanh bền vững trong thời gian tới.

Để chuyển đổi, DN phải đủ bản lĩnh, năng động, tự đổi mới. Thay vì ngồi đó chờ Nhà nước, chờ chính sách hỗ trợ thì DN phải tự cải thiện bản thân DN dựa trên nội lực của DN hiện có và sự kết nối với các ngân hàng. Bên cạnh việc khai thác lợi nhuận thì DN cần quan tâm đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Nói cách khác, DN cần có sự bám sát định hướng, quan tâm tâm đồng hành cùng với sự phát triển theo quy hoạch của địa phương.

Ông Nguyễn Trường Hải chia sẻ: Đối với Tập đoàn Bảo Trâm - DN có hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư BĐS và có tầm vóc quy mô tại tỉnh, trải qua khó khăn chung trong 2 năm 2022 và 2023, DN nhìn lại việc đầu tư BĐS theo một mô hình mới. Đó là mạnh dạn dành gần 4ha đất để đầu tư các hạng mục như: mở một siêu thị phục vụ mua sắm tiêu dùng cho người dân địa phương, nơi đây sẽ kết nối tiêu dùng nhiều sản phẩm OCOP; nhà ở cho chuyên gia, nhà hàng, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… Trong đó, DN vẫn giữ lại 1,5ha đất vườn dừa để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm từ dừa và thưởng thức nước dừa. Dự kiến, DN sẽ dành 50% doanh thu bán dừa trái để đóng góp cho địa phương trong việc quan tâm các đối tượng người có công, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Theo kế hoạch, dịp 30-4-2024, dự án mới này của Tập đoàn Bảo Trâm sẽ hoàn thành và đi vào phục vụ.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Trâm Nguyễn Trường Hải, sự chuyển đổi của DN cũng nhằm duy trì sự phát triển của DN, mặt khác cũng nhằm phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Cụ thể mục tiêu chuyển đổi là để ổn định vị trí kinh doanh tiếp theo của cột mốc 10 năm tới; đồng thời, tạo ra cho địa phương một mô hình mới theo hướng thân thiện, gẫn gũi với môi trường. Với ý nghĩa đó, DN chủ trương giữ lại màu xanh của dừa ngay trong khu phố thương mại thay vì sử dụng hết phần diện tích trồng dừa để đầu tư kinh doanh đất nền.

Chia sẻ về định hướng phát triển DN BĐS trên địa bàn tỉnh nói chung, Chủ tịch Hội DN TP. Bến Tre Nguyễn Trường Hải cho biết: “Từ bây giờ, các DN cần linh hoạt, nhạy bén đưa ra ý tưởng mới về chuyển đổi mô hình. Cần nhất là sự chung tay chia sẻ, dám nghĩ và dám thay đổi. Đó là từng bước chuyển sang “BĐS xanh”, “BĐS nhu cầu”, “BĐS sáng đèn”… Lúc này, cùng với tỉnh, địa phương, DN mới có hướng phát triển đúng, bền vững. Còn nếu DN vẫn giữ cách làm như trước đây là manh nha phân lô, bán nền thì lợi ích trước mắt nhưng lại phá vỡ quy hoạch tổng thể của tỉnh. Người chịu thiệt nhất vẫn là người mua BĐS về ở, kế đến là câu chuyện chính quyền địa phương vào cuộc khắc phục hậu quả”.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích