Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động bị thiệt

15/04/2014 - 16:41

Thời gian gần đây, tình trạng doanh nghiệp nợ chậm đóng, nợ tồn đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) diễn ra khá phổ biến và gây bức xúc cho người lao động. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Đồng Khởi đã phỏng vấn ông Lê Văn Tám - Trưởng Phòng Thu BHXH tỉnh.

Tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH thời gian gần đây là do đâu , thưa ông?

- Tình trạng nợ chậm đóng, nợ tồn đọng BHXH, BHYT kéo dài nhiều tháng vẫn còn phổ biến. Cao điểm nợ chậm đóng, nợ tồn đọng BHXH, BHYT lên đến 60 tỷ đồng (chiếm 5% tổng số tiền BHXH, BHYT phải đóng). Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả dẫn đến không trích nộp BHXH, BHYT cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã đăng ký tham gia BHXH, BHYT nhưng sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, tự giải thể hoặc phá sản, để lại nợ BHXH ngành BHXH phải theo dõi nợ kéo dài. Việc tuân thủ pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động và số ít người lao động trong các doanh nghiệp chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện BHXH, BHYT, nhất là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Các doanh nghiệp thường đưa ra lý do khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đó chỉ là những lý do mà phía doanh nghiệp đưa ra. Trên thực tế, việc không nộp BHXH, BHYT cho người lao động còn do đơn vị cố tình dây dưa, cố tình chiếm dụng vốn để phục vụ cho mục đích kinh doanh, bởi lãi suất chậm nộp BHXH thấp hơn lãi suất vay của ngân hàng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm. Thực tế, có những doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh đã không đăng ký số lượng lao động với cơ quan chức năng nhằm mục đích trốn đóng BHXH.  

Hiện, chế tài đủ sức răn đe doanh nghiệp trong nợ BHXH chưa, thưa ông?

- Bộ luật Lao động và Luật BHXH hiện hành quy định tương đối đủ các biện pháp chế tài để xử những vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện còn bị động, chưa thực sự kiên quyết nên hiệu quả xử lý chưa cao. Luật BHXH chưa đủ sức răn đe và giới hạn trong tổ chức thực hiện xử phạt. Tình hình xử lý nợ BHXH đang gặp nhiều khó khăn do cơ chế phối hợp giữa BHXH với các ngành chức năng trong việc đề ra các chế tài xử lý doanh nghiệp vi phạm chưa đủ mạnh.

Mặc dù các nghị định, thông tư được Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện tương đối cụ thể, song mức tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH còn quá thấp. Dù doanh nghiệp nợ BHXH số tiền lớn đến hàng tỷ đồng nhưng mức xử phạt bằng tiền tối đa không quá 75.000.000 đồng/vụ vi phạm. Với những quy định như thế, tôi cho là chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp cố tình nợ BHXH. Chính phủ nên nghiên cứu tăng mức tiền xử phạt vi phạm lên mức thấp nhất bằng 100% so với mức quy định tại Nghị định số 95/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Khi doanh nghiệp nợ BHXH, ai là người bị thiệt thòi nhất?

- Khi doanh nghiệp nợ BHXH, người đầu tiên bị thiệt thòi là công nhân lao động, sau đó đến doanh nghiệp. Vì theo quy định của Luật BHXH, doanh nghiệp nộp BHXH đến thời gian tháng năm nào, cơ quan BHXH chốt sổ BHXH chi chế độ BHXH cho công nhân lao động đến tháng năm đó. Với quy định như trên, doanh nghiệp nợ kéo dài, người lao động bị thiệt khi có điều kiện hưởng chế độ BHXH, BHTN.

Theo ông, BHXH cũng như một số ngành hữu quan cần có giải pháp gì để hạn chế doanh nghiệp nợ BHXH?

- Để hạn chế doanh nghiệp nợ BHXH, điều trước hết là ngành BHXH cũng như các ngành chức năng phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình được Chính phủ giao; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để chủ sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia đóng BHXH, giúp mọi người tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc; tăng mức xử phạt vi phạm bằng tiền đối với doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Một số trường hợp cần thiết, chuyển hồ sơ sang cơ quan tòa án xét xử theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Trần Quốc (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN