|
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại bãi biển Cồn Bửng. Ảnh: Mã Phương |
Động lực lớn từ hạ tầng
Năm 2016 sẽ là năm nhiều hứa hẹn, cơ hội để Thạnh Phú đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội sau khi hạ tầng giao thông hoàn chỉnh với cầu Tân Huề và cầu An Qui trên Quốc lộ 57 được đưa vào sử dụng. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho du lịch của huyện thu hút lượng lớn du khách.
Sau khi UBND tỉnh có quyết định công nhận khu du lịch của địa
phương - Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển (tổng diện tích 738ha), công
trình tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích được quan tâm đầu tư.
Dự án đường Cồn Rừng cũng cơ bản hoàn thành. Công trình cống cầu Ván và nâng cấp
Quốc lộ 57 đoạn cầu Ván - Khâu Băng… cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới,
nhiều công trình hạ tầng giao thông các xã được đầu tư góp phần thay đổi diện mạo
nông thôn. Trong năm 2015, trên địa bàn huyện đã đầu tư hơn 211 tỷ đồng xây mới
18 cầu bê-tông, sửa chữa, nâng cấp hàng chục km đường bê-tông, đường nhựa.
Riêng việc đầu tư hạ tầng
phục vụ phát triển du lịch vào năm 2016, ông Trần Minh Đạo - Trưởng Ban quản lý
Dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện cho biết: Huyện đang đầu tư mở rộng hệ thống
giao thông đến Khu du lịch Cồn Bửng, Cồn Tra với phần đường dài gần 8km theo
tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 7m. Phần cầu sẽ đầu tư xây dựng
2 cầu lớn là cầu Cồn Tra và cầu Cồn Bửng đồng bộ với mặt đường theo kết cấu
bê-tông cốt thép, tải trọng 10 tấn (cầu Cồn Bửng dài hơn 74m, cầu Cồn Tra dài
hơn 38m), tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng.
Một góc bãi biển Hàng Dương. Ảnh: Mã Phương
Cũng để phục vụ cho phát
triển du lịch và sinh hoạt của nhân dân xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, ông Nguyễn
Trọng Nghĩa - Trưởng khu vực cấp nước Thạnh Phú cho biết: Huyện sẽ đầu tư đường
ống dẫn nước sinh hoạt sau khi nâng cấp nhà máy nước Thị trấn Thạnh Phú (từ
120m3/giờ
lên 240m3/giờ),
kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Trong năm 2015, nhà cổ và khu mộ Huỳnh Phủ tại xã Đại
Điền, Phú Khánh cũng đã được trùng tu và đưa vào khai thác; hoạt động du lịch
sinh thái cộng đồng (homestay) tại xã Thạnh Phong có nhiều nét độc đáo, ngày
càng thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.
Đề án và sự
nhập cuộc của các ngành, địa phương
Ngay sau Đại hội Đảng bộ
huyện nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội bằng Đề
án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020 (kế thừa, phát
triển kế hoạch phát triển du lịch trước đây); thành lập Ban quản lý du lịch Thạnh
Phú (tên giao dịch: Thanh Phu Tourism Management) là một đơn vị sự nghiệp công
lập có thu. Đề án đã quy định về chức năng, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy,
biên chế, tài chính, cơ chế hoạt động và địa điểm đặt trụ sở… của Ban quản lý
du lịch Thạnh Phú, ngày 1-1-2016 chính thức đi vào hoạt động. Đây là điều kiện
pháp nhân để Ban quản lý du lịch huyện mời gọi, thu hút nhà đầu tư, đẩy mạnh hoạt
động mở rộng du lịch trên địa bàn huyện những năm tiếp theo.
Theo bà Trần Võ Kim
Phương - chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, với chức năng quản lý của
ngành tại địa phương về lĩnh vực này, trong những năm qua, Phòng đã phối hợp với
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
mở các lớp tập huấn dành cho các hộ dân kinh doanh ăn uống tại Khu du lịch Cồn
Bửng về kỹ năng giao tiếp, nấu ăn và trang trí một bàn tiệc, về cứu hộ, cứu nạn,
về du lịch cộng đồng…
Ở góc độ địa phương, bà
Trần Thị Minh Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải cho biết thêm: Trước khi có
Đề án, huyện cũng chỉ đạo xã thành lập Tổ quản lý du lịch, đội bảo vệ an ninh
trật tự, công khai đường dây nóng về an ninh trật tự để đảm bảo sự an toàn cho
du khách. Tăng cường sự quản lý của địa phương như: thực hiện niêm yết giá, đảm
bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh ô nhiễm môi trường, nhất là việc quản
lý, thu gom rác thải sinh hoạt. Vấn đề bức xúc nhất của người dân hiện nay là
vào mùa gió chướng, hiện tượng sạt lở diễn ra rất dữ dội, làm mất đi nhiều diện
tích đất, mất mặt bằng các quán ăn uống của nhiều hộ dân. Bà con rất mong sớm
triển khai việc xây dựng bờ kè để chắn sóng.
Ngoài đến để tham quan,
du lịch, vui chơi, ăn uống tại bờ biển Cồn Bửng, tham quan Khu di tích Đường Hồ
Chí Minh trên biển, các hoạt động du lịch mang tính tâm linh cũng cần được đầu
tư như trùng tu, xây dựng mới Lăng Ông Nam Hải tại xã (tín ngưỡng dân gian thờ
cá Ông của người đi biển). Một trong những “sản phẩm mới” của du lịch địa
phương mà du khách rất ưa thích là tham quan, lựa chọn để mua hàng nông sản như
dưa hấu, xoài cát, rau củ tại chân ruộng của bà con. Vì thế, ngành chức năng cần
mở các lớp tập huấn để bà con nông dân trồng được nhiều loại cây, hoa màu; hỗ
trợ kỹ thuật, vốn để trồng theo hình thức phủ bạt, vừa tạo mỹ quan cho đồng ruộng,
vừa an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng chất lượng hàng nông sản (đẹp, đồng đều) để
phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách, tăng giá trị cho hàng hóa của bà con
nông dân.