 |
Đỗ Tấn Khang (thứ hai, từ trái sang) ăn Tết sớm cùng những người thân thiết. Ảnh: NG.D |
Trong những ngày đầu năm mới, tôi muốn kể ra đây chân dung một con người-biết-khơi nguồn mùa xuân. Em tên Đỗ Tấn Khang, quê ở xã Hòa Nghĩa, Chợ Lách. 27 tuổi đời là cũng ngần ấy thời gian em sống chung, đôi lúc khổ sở với di chứng một căn bệnh. Nhưng chỉ thêm 730 ngày nữa thôi em sẽ trở về từ Úc với học vị thạc sĩ!
Ba tuổi. Một đứa bé lên ba như không còn là chính mình sau cơn sốt bại liệt khắc nghiệt. Nhưng có hề gì? Em cứ nở nụ cười roi rói trước những việc vui, rơi nước mắt khi bị… mắng như bao đứa trẻ vô tư khác. Muốn tung tăng ư? Em có thể rong chơi bằng đôi chân của… bất cứ ai đến với mình. Bởi chừng tuổi ấy, cái buồn đôi lúc quá “xa xỉ” đối với Khang…
* Tìm một lối đi
Rồi cũng đến lúc Khang phải rời xa vòng tay ba mẹ. Lúc này em phải tập bước vào cuộc đời bằng chính đôi chân vốn dĩ yếu đuối của mình. Quãng đường từ nhà đến trường đủ xa để làm cho đôi chân em đau buốt, nặng trịch và bất lực. Những giọt mồ hôi và cả nước mắt đổ xuống nhưng chưa xuất hiện một ý tưởng nào khả dĩ hơn cho Khang khi mà đời sống gia đình lúc ấy còn khó khăn. Khang như bất lực đứng trước một con sông không cầu, cứ trông ngóng mãi lối đi! Ông Huỳnh Văn Cam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại, đó cũng là khoảng thời gian Bến Tre và một tổ chức từ thiện của Nhật Bản lên kế hoạch xây dựng một ngôi trường dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật (Hữu Định, Châu Thành). Tia hy vọng lóe lên, đọng lại. Con đường đến với cái chữ, việc làm cải lại số phận của Đỗ Tấn Khang bắt đầu từ đây.
Khang vào trường nuôi dạy trẻ khuyết tật ngay lớp 3. Học lực em thuộc loại khá. Sau mấy năm, khi học… hết chữ của trường, Khang và một số bạn khác phải ra ngoài học. Những hoàn cảnh ấy cùng giống nhau ở tính ham học, quyết học đến cùng. Nếu Thủy là cô giáo ở chính nơi đã cưu mang mình sau khi hoàn thành lớp Cao đẳng tật học ở TP.HCM và học liên thông vài năm sau đó, bạn Khánh học Công nghệ thông tin, thì Khang theo ngành Công nghệ sinh học (Đại học Cần Thơ). Khang mê dược nhưng chọn và thử sức với một ngành còn quá mới mẻ ở Việt Nam – ngành Công nghệ sinh học.
* Niềm vui đầu năm
Giữa tháng 1-2010, Khang sẽ đi du học! Em và những người bạn thân thiết cùng “vượt khó học giỏi” ngày nào sẽ tập trung về nhà ba Năm (ông Huỳnh Văn Cam) ăn một bữa ra trò trước khi chia tay. 8 giờ tối, ông Huỳnh Văn Cam điện thoại mời tôi sáng mai đến nhà ông “ăn một bữa cơm ý nghĩa”! Qua giọng phấn khởi của ông, tôi cũng nôn nao chờ trời sáng…
Ngồi trước mặt tôi bây giờ là một Đỗ Tấn Khang bằng xương bằng thịt. Em có đôi mắt nồng nghị lực và ấm những tia lạc quan; đặc biệt là những bước đi khá vững chải không cần nạng. Nếu không nghe những giai thoại do những người thân quen của em kể, tôi khó mà hình dung hết những khó nhọc em phải trải qua. Cậu bé nhỏ xíu ấy ngoài giờ học chữ trên lớp là miệt mài với bài tập vật lý trị liệu. Mồ hôi và nước mắt lại rớt xuống nhưng lần này nụ cười nở trên môi. Sức khỏe Khang tiến triển dần.
Trước khi có cuộc nói chuyện này, tôi biết thành tích học tập 4 năm đại học của Khang rất đáng nể. Một bí quyết? Khang cười, “thì tại càng lớn càng khôn ra mà. Em biết cách giữ thế chủ động trong học tập. Vậy thôi!”. Đâu chỉ vậy, em còn chắt chiu từng đồng từ học bổng (Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh tặng suốt 4 năm) và dạy kèm để nuôi lớn ước mơ. Rồi tin vui bay về Bến Tre, Khang tốt nghiệp đại học loại giỏi và được giữ lại trường giảng dạy. Câu chuyện về một cậu bé khuyết tật bản lĩnh tìm công việc làm xứng đáng như thế đã là một cái kết đáng yêu. Nhưng, Khang còn khiến nhiều người thêm một lần ngẩn ngơ khi em có một trong 150 suất du học năm 2010! Khang đã đáp ứng tất cả tiêu chuẩn khắt khe do tổ chức tài trợ AusAID (cơ quan phát triển quốc tế Australia) đưa ra. Chỉ hai năm nữa, từ Úc trở về, Khang có tấm bằng thạc sĩ trong tay… Tôi nhớ có lần Thủy khoe đôi vợ chồng bạn học cô, ở Châu Thành đã có con và bắt đầu có của ăn của để. Họ giỏi hơn lắm người lành lặn. Mừng cho bạn một, Thủy mừng cho những người giống mình tới mười, bởi bạn cô đã làm cho những người xung quanh “lấy làm bài học” trong việc giáo dục con cái và thay đổi thái độ ứng xử với người khuyết tật! Trưởng ban báo Hà Nội Mới buổi chiều Phùng Huy Thịnh từng nói về lý tưởng sống của người trẻ ngắn gọn nhưng sâu sắc, có thể bạn là người bình thường nhưng không được tầm thường! Đỗ Tấn Khang đã rất phi thường rồi còn gì?
***
Khi bài viết này đến tay bạn đọc thì Khang đã lên máy bay khởi đầu hành trình mới. Không kịp đón Tết Nguyên đán, nhưng kỷ niệm và cả gói mứt dừa mẹ chuẩn bị đủ để Khang ấm lòng trong những ngày xuân ở xứ người. Dù Bến Tre hay Cần Thơ… nơi nào cũng có những người dõi theo bước em đi.