Các đại biểu phân tích thông tin trên bản đồ điện tử về các vị trí được đề xuất phát triển du lịch. Ảnh: T. Đồng
1. Bến Tre sẽ trở thành địa phương đáng sống bởi chất lượng cuộc sống cao toàn diện ở mọi mặt về thu nhập, cơ sở hạ tầng, môi trường, thân thiện với du khách, đẹp, yên bình… khiến người dân cảm thấy hài lòng và không phải di cư. Đây cũng là yếu tố tầm nhìn được các sở, ban, ngành thảo luận, nhắc lại nhiều nhất.
Thu nhập của người dân sẽ thay đổi tích cực ở vị trí khá cho đến dẫn đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giúp đảm bảo an sinh xã hội. Việc phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường. Các sản phẩm và dịch vụ ở tỉnh sẽ toát lên sự thân thiện, thể hiện tinh thần cởi mở của người dân Bến Tre đối với người đến từ các địa phương khác và quốc tế. Đô thị và các hoạt động kinh tế ở tỉnh sẽ bắt kịp trình độ tiên tiến ở trong và ngoài nước, áp dụng công nghệ và sáng kiến để phát triển.
Để thực hiện khát vọng đó, tỉnh xây dựng tầm nhìn chiến lược (TNCL) với sự tham vấn của các chuyên gia tư vấn, sử dụng khung chiến lược với 4 trụ cột chính (1- tăng giá trị và tiếp cận thị trường trong nông nghiệp, 2- phát triển mở rộng công nghiệp sản xuất chế biến, 3- mở rộng hoạt động kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch, 4- nâng cao chất lượng cuộc sống và kiến tạo môi trường xanh bền vững) và 6 yếu tố hỗ trợ (quy hoạch không gian và sử dụng đất, biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, nguồn đầu tư - kinh phí).
2. Một số sáng kiến được nêu ra ở giai đoạn 2 bước đầu đang được tiếp tục góp ý, cập nhật. Trong đó, đối với trụ cột chiến lược 1 sẽ tối ưu hóa danh mục hàng nông sản bằng cách khoanh vùng chặt chẽ hơn cho phát triển nông nghiệp, tái tạo lại cây giống cùng với thiết lập trung tâm nghiên cứu mới. Đa dạng hóa, gia tăng giá trị và mở rộng chế biến bằng cách mở rộng chuỗi giá trị chế biến thịt; chuỗi giá trị chế biến thủy sản; hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Đồng thời, việc nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm theo các bước xây dựng thương hiệu uy tín, chất lượng, tấn công các thị trường xuất khẩu.
Tương tự, đối với trụ cột chiến lược 2, sáng kiến được đưa ra rằng, ngành du lịch tỉnh cần phải nắm bắt cơ hội để phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch của tỉnh và thực hiện các giải pháp động lực. Nhóm giải pháp để đẩy mạnh và phát triển các sản phẩm du lịch tỉnh gồm: phát triển cụm du lịch sinh thái và trải nghiệm ở phía Bắc tỉnh; cụm du lịch giải trí nghỉ dưỡng ven biển ở Thạnh Phú; phát triển tour du lịch văn hóa tâm linh ở Giồng Trôm, Ba Tri và Bình Đại; phát triển du lịch MICE ở Châu Thành, TP. Bến Tre. Đẩy mạnh quảng bá du lịch qua nhiều kênh quảng bá hợp tác và sáng tạo, đồng thời có các chiến dịch quảng bá du lịch nhắm tới các đối tượng du lịch khác nhau. Các giải pháp động lực cũng được nêu ra như: Đa dạng hóa và đổi mới các gói tour; xây dựng các trung tâm thông tin du lịch, xây dựng tiêu chuẩn toàn diện để quản lý chất lượng…
Đối với trụ cột chiến lược 3, tỉnh cần tận dụng những công nghệ tiên tiến thông qua 7 sáng kiến như: xây dựng các khu biệt thự cao cấp nhằm thu hút người Việt Nam lẫn nước ngoài đến đây sinh sống; khởi động sáng kiến thành phố thông minh gắn với chính phủ thông minh; hướng đến các giải pháp thông minh bổ trợ; xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao định hướng đến công nghiệp 4.0; phát triển các nhà máy điện gió, tận dụng nguồn tài nguyên gió sẵn có; lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà hướng đến tự cấp, tự túc năng lượng; phục hồi các nhà máy xử lý chất thải hiện có…
3. Trong TNCL giai đoạn 2, các tham vấn đã nêu ra khá chi tiết đối với các sáng kiến chính, từ nguồn gốc sáng kiến đến mô tả sáng kiến, tác động sáng kiến và lộ trình thực hiện các bước. Sáng kiến đối với phát triển chuỗi giá trị con heo và tôm khá chi tiết. Đây là hai trong những nút thắt lớn của tỉnh trong nhiều năm qua. Riêng về chuỗi giá trị chế biến heo, bước đầu, đội ngũ chuyên gia cho rằng, phát triển chuỗi giá trị chế biến thịt heo bằng cách xây dựng khu công nghiệp tập trung tại Mỏ Cày Bắc, bao gồm: các cơ sở giết mổ heo, nhà máy chế biến thịt heo, các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, các dịch vụ hậu cần logistic cho việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và đầu ra. Lộ trình đưa ra, trong 1 đến 5 năm, sẽ phát triển các cơ sở giết mổ và cơ sở hạ tầng; 5 đến 10 năm sẽ phát triển nhà máy chế biến thịt heo và hoàn chỉnh hệ sinh thái của giá trị sản xuất chế biến thịt heo. Các đối tác có thể kể đến như C.P, Vissan, Masan…
Cũng theo đề xuất của chuyên gia, tới đây, tỉnh cần phải xây dựng các cơ sở giết mổ trước để cung cấp các loại thực phẩm thịt tươi đóng gói. Kế đến là chuỗi chế biến sâu để đa dạng sản phẩm từ thịt heo, các nhà máy chế biến nên được thiết kế gần với cơ sở giết mổ để tối ưu bộ máy hoạt động.
Giai đoạn 2 xây dựng TNCL cũng đã nêu ra tác động kinh tế của các sáng kiến, việc quy hoạch không gian và sử dụng đất của tỉnh. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đội ngũ chuyên gia đang cùng với tỉnh tiến hành song song các bước của giai đoạn 3 TNCL. Trong giai đoạn 3 sẽ nêu ra các giải pháp phục vụ cụ thể cho các sáng kiến giai đoạn 2.
Dự kiến ngày 17-10-2019, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội thảo “Chuyên gia phản biện TNCL phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tại hội thảo này, trên cơ sở ý kiến phản biện, đóng góp của chuyên gia sẽ hoàn thiện báo cáo giai đoạn 2, tiếp tục cho giai đoạn 3 xây dựng TNCL. |
Cẩm Trúc