Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại buổi đối thoại.
Tham dự, có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phó ban công tác phía Nam, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể, Thường trực các huyện uỷ, thành uỷ, Hội LHPN các huyện, thành phố, hộ kinh doanh, 150 đại biểu đại diện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh.
Với nỗ lực xây dựng tỉnh Bến Tre thành “Địa phương khởi nghiệp” và thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN của Tỉnh ủy đạt kết quả cao nhất. Giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh đã hỗ trợ 1.239 tập thể, cá nhân khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ tư vấn, khởi sự khởi nghiệp và phát triển 279 DN do nữ làm chủ.
Tính đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 1.294/5.438 DN do nữ làm chủ, chiếm tỷ lệ 23,8%. Tuy nhiên, theo đánh giá, các chương trình, chính sách hỗ trợ DN chưa tạo được động lực thúc đẩy DN phát triển, chính sách cho phát triển các loại hình DN còn dàn trải và theo chiều rộng, chưa có nhiều chính sách, cơ chế đặc thù thật sự khác biệt và nổi bật nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển, chưa hình thành được những DN lớn, có khả năng dẫn dắt để phát triển, chưa hình thành được cụm liên kết ngành, số lượng DN trên lĩnh vực khoa học công nghệ, DN công nghệ số rất ít, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh của DN trong tỉnh còn thấp.
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, việc giải quyết thủ tục hành chính cho DN ở một số lĩnh vực vẫn còn chậm, một bộ phận cán bộ, công chức và còn nhiều địa phương chưa làm tốt trong việc theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN. Việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh như: Tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra... vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đa số DN còn hạn chế trong quản trị và điều hành DN, nguồn lực tài chính yếu, số lượng DN làm ăn thua lỗ, giải thể còn nhiều.
Đối với hộ kinh doanh còn hạn chế nhiều mặt như: Quy mô, trình độ quản lý, ứng dụng kỹ thuật công nghệ, thị trường… Ngoài ra, do ảnh hưởng của hạn mặn và đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Việc phát triển DN còn gặp nhiều hạn chế, số lượng DN tăng nhưng quy mô và mức đóng góp của DN còn khá thấp so với các tỉnh, thành trong khu vực. Số lượng DN nữ khởi nghiệp được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công và xúc tiến thương mại hàng năm còn ít. Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới phân phối tiêu thụ của các DN chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa nhịp nhàng, nhất là trong việc trao đổi thông tin số liệu, nhu cầu của phụ nữ để hỗ trợ, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình hiệu quả để tạo sự lan tỏa. Đa số các DN trên địa bàn tỉnh thiếu năng lực tài chính và yếu về nhân sự quản lý, nguồn lực thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cũng như khả năng đổi mới công nghệ còn hạn chế, tính chủ động chưa cao. Nhiều DN chưa có bộ phận phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm; hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đồng đều, dẫn đến khả năng cung ứng sản phẩm chưa ổn định.
Cá nhân, DN chưa chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật về kinh doanh; một số thủ tục pháp lý về thương hiệu, nhãn hiệu, thuế... còn bất cập. Quy mô các DN do nữ làm chủ hầu hết còn nhỏ lẻ, hạn chế về năng lực đầu tư, chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị máy móc vào sản xuất, chưa chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh. Việc tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập, việc thực hiện chuỗi giá trị đầu vào, đầu ra còn nhiều lúng túng, nhất là tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm đạt chất lượng.
Giá cả nông sản và các sản phẩm làm ra không ổn định ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả thực hiện mô hình, đặc biệt là các mô hình kinh tế tập thể. Phần lớn DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh chưa chú trọng đến mẫu mã, chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chất lượng hàng hóa nên vẫn còn gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa vào các kênh phân phối lớn như: Siêu thị, trung tâm thương mại cũng như xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Tình hình kinh tế và chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn và thách thức, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế; giá cả biến động bất thường. Đồng thời do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh của các DN trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn vay, vốn đầu tư từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cho hoạt động khởi nghiệp còn thấp so với nhu cầu.
Đại diện Ngân hàng BIDV giải trình về vấn đề vay vốn.
Tại hội nghị đối thoại, có nhiều ý kiến của cá nhân, đại diện tổ hợp tác, hợp tác xã, DN do phụ nữ làm chủ đặt ra với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh như về chính sách ưu đãi đào tạo nguồn nhân lực, về thuế, về tiếp cận nguồn vốn vay đối với cá nhân, tập thể khởi nghiệp hiện nay còn gặp khó khăn. Giá cả vật tư nông nghiệp tăng, giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, công tác xuất khẩu cũng gặp khó có ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh của các cá nhân và tổ chức khởi nghiệp. Về vấn đề hỗ trợ chuyển đổi số cho các cá nhân và tập thể vừa mới khởi nghiệp thành lập DN. Về quy trình, thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP…
Các ý kiến của cá nhân, tập thể được lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh ghi nhận và giải trình rõ ràng, thấu đáo. Nhận xét qua buổi hội nghị, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng: Buổi đối thoại rất bổ ích với nhiều thông tin chia sẻ từ các chị, em nhằm giúp cho lãnh đạo tỉnh hiểu rõ hơn những hạn chế của các cá nhân, tập thể khởi nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách, pháp luật.
Phát biểu của Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến tại buổi đối thoại.
Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, trong khởi nghiệp, vấn đề quan tâm hàng đầu vẫn là yếu tố con người. Người làm chủ một DN phải am tường về pháp luật. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh cần có nhiều cuộc triển khai tư vấn về pháp luật cho chị em khởi nghiệp.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến khởi nghiệp và phát triển DN và có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển DN. Ông nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành tỉnh cần tập trung, quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho DN, nhất là DN do phụ nữ làm chủ.
Cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, cần quan tâm đối thoại, gặp gỡ DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp DN phát triển được thuận lợi hơn. Đối với cá nhân, tập thể khởi nghiệp, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, phụ nữ phải cho mình “một tham vọng” cao hơn, phải chuyển từ hộ kinh doanh, cá thể lên DN với quy mô kinh doanh lớn hơn, hướng đến mục tiêu đặt ra của tỉnh là đến năm 2025, có hơn 10 ngàn DN.
Tin, ảnh: Thành Lập