|
Các cựu chiến binh đến thăm, hỗ trợ gia đình anh Sữa. |
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh vừa tổ chức sơ kết 1 năm mô hình “5+1” giúp nhau thoát nghèo của cựu chiến binh tại xã Tân Thiềng (Chợ Lách). Đây là mô hình thiết thực, ý nghĩa, nồng ấm tấm lòng đồng chí với nhau trong thời bình hiện nay.
Mô hình “5+1” là năm người khá giúp một người có hoàn cảnh khó khăn. Hội CCB xã Tân Thiềng có 225 hội viên, trong đó có 6 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, bệnh mãn tính. Xuất phát từ tình đồng đội tương thân tương ái, những CCB này đã nâng đỡ nhau vượt qua khó khăn bằng nhiều hình thức hỗ trợ.
Người dân Tân Thiềng kiếm sống chủ yếu bằng nghề trồng hoa kiểng và cây ăn quả. Do đó, đất đai và sức khỏe là thứ tài sản hết sức quí giá. Những người lính ngày nào giờ trở lại quê nhà với vợ con, một số người sức khỏe kém, không có đất đai sản xuất, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Dưới mái nhà chung là Hội CCB, tình đồng đội đã kéo họ đến gần nhau và chia sớt cho nhau những khó khăn riêng.
Căn cứ vào thực tế hộ CCB nghèo ở xã, Hội CCB xã Tân Thiềng đã lập kế hoạch xây dựng và thực hiện mô hình “5+1”, đã tổ chức triển khai, quán triệt đều khắp trong hội viên. Thấy được sự đúng đắn và ý nghĩa của mô hình “5+1”, dần dần các hội viên đồng tình hưởng ứng. Có 11 tổ “5+1” được thành lập, với 12 hộ nghèo, cận nghèo được giúp đỡ, qui ra tiền khoảng 88 triệu đồng. Trong đó, có 2.000m2 đất sản xuất cho mượn sử dụng, 650 nhánh cây giống, gạo, tiền và ngày công lao động trợ giúp nhau.
Nổi bật là tổ ở ấp Long Khánh - xã Tân Thiềng, hầu hết hội viên Hội CCB đồng tình rất cao. Hộ chú Nguyễn Văn Thắm, sinh năm 1963 là hộ cận nghèo, chú từng đi chiến trường Campuchia, sau đợt sốt rét rừng ác tính, đôi mắt mờ dần. Lập gia đình và có 3 con, chú Thắm luôn chật vật vì thiếu đất sản xuất. Mỗi ngày, chú Thắm phải rong ruổi trên chiếc xe đạp để bán vé số hết nơi này đến nơi khác. Sau khi bàn bạc, tổ đã quyết định cho chú Thắm mượn 2.000m2 đất của gia đình đồng chí Ngưng để trồng 260 nhánh tắc. Khoảng 1 năm, cây cho trái, giá trái tắc hiện tại khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg, cộng thêm tiền lời bán vé số và tiền công người vợ lột nhãn thuê, cuộc sống có phần dễ thở hơn. Chú Thắm thổ lộ: Muốn vượt khó, mình phải bền chí, để có 2 công đất vườn thông thoáng mà trồng cây, chú và con cái, anh em đồng đội đã bỏ nhiều ngày công để phá vườn tạp, bồi mương… mảnh đất này là hi vọng thoát nghèo của chú. Cũng nhờ có anh em đồng đội thương nên chú thấy phấn khởi và cố gắng làm ăn.
Lọt thỏm giữa con đường quê ấp Phú Thới, ngôi nhà ván mục nát có thể sập bất cứ lúc nào là nơi nương náu của 4 con người là anh Trần Văn Sữa, hội viên CCB ấp Phú Thới và vợ chị Đặng Thị Kim Hương cùng 2 đứa cháu gái nhỏ. Dù có 4 đứa con nhưng cảnh đứa nào cũng nghèo, phải gửi con lại cho anh chị Sữa nuôi. Anh lại bệnh suốt 17 năm nay, không làm gì nổi. Chị rất giỏi giang, xóm giềng ai cũng thương, gian nhà tuy lụp xụp nền đất nhưng trông khá sạch sẽ, ngặt nỗi chị cũng bệnh. Cả gia đình chỉ trông vào thằng út đi làm thuê kiếm tiền, nhưng con út bệnh trĩ nặng phải nằm nhà thương. Túng lại càng túng. Nhờ có 2,5 triệu đồng trong tổ “5+1” ấp Phú Thới mà anh chị Sữa mua phân bón cho mấy cây tắc trồng quanh nhà, chị mua ít xôi, bắp, bánh mì bán quanh quẩn buổi sáng cho xóm giềng kiếm chút đồng lời sống qua ngày. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Chi hội trưởng Hội CCB ấp Phú Thới cho biết, chi hội chỉ có một hộ nghèo là hộ anh Trần Văn Sữa, chúng tôi quyết tâm nâng đỡ để gia đình anh Sữa thoát nghèo, chứ không chỉ hỗ trợ một lần rồi xong. Từ sự quyết tâm của tập thể, tinh thần của anh chị Sữa như được liều thuốc bổ thêm sức bước qua cơn khốn khó.
Qua buổi họp sơ kết mô hình “5+1” tại Tân Thiềng, Hội CCB xã có nhiều cách hỗ trợ phù hợp giúp đỡ đồng đội nghèo, thúc đẩy việc xóa nghèo trong Hội CCB, từ đó tác động tích cực đến đời sống xã hội nói chung và phong trào của Hội trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết, Hội CCB Tân Thiềng đã gặt hái được một số kết quả khả quan qua mô hình “5+1” nhờ sự quan tâm của cấp ủy, UBND xã và trưởng khối vận. Kinh nghiệm tại Tân Thiềng cho thấy, khi triển khai mô hình, Hội cần tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh, nguyên nhân và nguyện vọng của hộ nghèo, sau đó triển khai thực hiện mô hình tuỳ theo điều kiện từng hộ cần giúp đỡ. Việc kiểm tra, đôn đốc và đúc kết kinh nghiệm là điều cần thiết vì “5+1” là mô hình mới.