Đồng hành phát triển hàng Việt Nam

08/05/2019 - 07:26

BDK - Trong 10 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương, các thành viên Ban chỉ đạo đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đạt được nhiều kết quả to lớn, trong đó nổi bật là giúp chuyển đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (bìa trái) tham quan sản phẩm nấm linh chi Bến Tre tại Hội chợ OCOP Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (bìa trái) tham quan sản phẩm nấm linh chi Bến Tre tại Hội chợ OCOP Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Văn Đảm - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên, các địa phương chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện. 

Trong 10 năm qua, CVĐ đạt được nhiều kết quả tích cực, đã hình thành được ý thức sử dụng hàng Việt Nam trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lan tỏa thành phong trào rộng rãi trong nhân dân. Người tiêu dùng đã từng bước có ý thức tiêu thụ hàng Việt Nam có chất lượng cao và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm được sản xuất từ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Hiện nay, khi đi mua sắm, số lượng người tham gia mua sắm hàng Việt chiếm tỷ lệ cao hơn.

 Vai trò là thành viên Ban chỉ đạo, trong 10 năm, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức được 65 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại 8 huyện; 10 hội chợ công nghiệp - thương mại tại tỉnh nhân dịp Ngày truyền thống Đồng khởi 17-1 hàng năm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/hội chợ; 4 hội chợ triển lãm các sản phẩm dừa; tổ chức cho các DN tham gia hơn 100 hội chợ trong nước. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã tổ chức cho hơn 100 DN tham gia khoảng 50 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc - Hà Nội, Cần Thơ…

Thực hiện chủ trương của Bộ Công Thương, Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ để thực hiện 5 điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh, tổng kinh phí thực hiện là 338 triệu đồng; trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ là 80 triệu đồng. Cuối năm 2018, sở tiếp tục triển khai và hỗ trợ 2 điểm thực hiện chương trình “Cửa hàng nông sản an toàn” với tổng kinh phí được phê duyệt 151,6 triệu đồng. Qua  đó, nhiều người tiêu dùng biết đến điểm bán hàng Việt.

Cửa hàng Hai Sơn, Phường 8, TP. Bến Tre là một trong những cửa hàng đầu tiên tham gia xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam. Ông Lê Thanh Sơn - chủ cửa hàng cho biết: Từ khi được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam, DN sản xuất đã chủ động đến cửa hàng đầu tư quầy kệ, bày sản phẩm khoa học và bắt mắt hơn. Doanh thu của cửa hàng cũng gia tăng đáng kể. Hiện nay, cửa hàng có vài trăm mã hàng hóa với 100% là hàng Việt Nam. “Hàng hóa Việt Nam có chất lượng ngày càng tốt, mẫu mã ngày càng đẹp, giá cả phải chăng nên người tiêu dùng cũng ngày một ưa chuộng. Trước đây, cửa hàng còn bán hàng ngoại nhập nhưng hiện nay không bán nữa vì hàng Việt tiêu thụ nhanh hơn hẳn”, ông Sơn phấn khởi.

Người tiêu dùng chọn mua sắm hàng Việt chiếm tỷ lệ 86%.

Người tiêu dùng chọn mua sắm hàng Việt chiếm tỷ lệ 86%.

Hàng Việt chiếm ưu thế

Theo khảo sát của Sở Công Thương, lượng hàng hóa sản xuất trong nước bán trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ khoảng trên 86%. Cách đây 10 năm, hàng hóa trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm đến từ nhiều nước, đặc biệt là hàng đến từ Trung Quốc, Thái Lan… Hiện nay, hàng Việt Nam đã chiếm ưu thế từ hệ thống các chợ truyền thống cho đến các siêu thị và ngày càng được cải tiến về chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh.

Trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, khi thực hiện mua sắm tài sản công thì có khoảng 95% đơn vị ưu tiên mua sắm đối với hàng sản xuất trong nước. Từ khi có CVĐ, sức mua hàng đối với các nhóm hàng được khảo sát hầu hết đều tăng hơn. Nguyên nhân được người tiêu dùng khẳng định là hàng Việt Nam ngày càng có chất lượng và giá cả hợp lý hơn.

Theo điều tra, khi mua sắm công từ nguồn ngân sách, hầu hết các đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn ý thức và ưu tiên cho việc mua sắm các tài sản, vật tư, nguyên vật liệu mà các DN trong nước tự sản xuất để trang bị cho cơ quan, phục vụ các công trình, dự án chiếm khoảng trên 70%.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, đã và đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn cho các DN trong nước, bởi hàng hóa trong nước sẽ cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm ngoại khi cánh cửa hội nhập đã rộng mở, nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% sẽ tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Đảm cho biết: Để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt và có hiệu quả CVĐ trong thời gian tới, Ban chỉ đạo CVĐ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cải tiến về nội dung, hình thức để hoạt động tuyên truyền ngày càng phong phú, hiệu quả hơn. Nâng cao chất lượng hoạt động của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, trong mỗi phiên chợ nên tổ chức cuộc thi bình chọn sản phẩm yêu thích. Chú ý về chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các phiên chợ, không để tình trạng lợi dụng để xả hàng tồn kém chất lượng, tiêu thụ hàng không đảm bảo quy cách, hàng gian, hàng giả...

“Xác định CVĐ là chương trình dài hạn và được triển khai liên tục trong nhiều năm, trọng tâm là hướng đến các giải pháp hỗ trợ DN trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh với nhiều hoạt động xúc tiến về thị trường nông thôn, khu công nghiệp, xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới hàng Việt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa qua hệ thống chợ truyền thống”.

(Ông Nguyễn Văn Đảm - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN