
Đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú.
Đầu tư 6 công trình trạm biến áp 110kV
Công ty Điện lực Bến Tre hiện đang vận hành, cung cấp điện cho các huyện qua các đường dây 110kV hiện hữu, xuất phát từ trạm 220kV Bến Tre và trạm 220kV Mỏ Cày. Các đường dây này được xây dựng, đưa vào vận hành khá lâu, do đó cũng đã xuống cấp, cần phải khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, việc cải tạo, nâng cấp các đường dây này gặp rất nhiều khó khăn, do đây là các đường dây độc đạo, không có đường dây nào khác để thay thế cung cấp điện, vì thế thời gian cắt điện để thực hiện cải tạo, nâng cấp phải mất nhiều ngày thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như sinh hoạt của người dân.
Theo Quyết định số 516/QĐ-UBND ngày 14-5-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035, mục tiêu mà tỉnh đặt ra là phát triển lưới điện phải đảm bảo sự phát triển cân đối, tính đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới điện nhằm cung cấp phụ tải với chất lượng tốt nhất, độ tin cậy và tính hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng điểm là phục vụ phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông lâm thủy sản.
Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã triển khai thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh 6 công trình trạm biến áp 110kV và đường dây 110kV, tổng mức đầu tư lên đến 670,3 tỷ đồng, gồm: Trạm biến áp 110kV Phú Thuận; đường dây 110kV Phú Thuận - Bình Đại; đường dây 110kV Giao Long - Phú Thuận; đường dây 110kV Ba Tri - Bình Thạnh; Trạm biến áp 110kV An Hiệp và đường dây 110kV từ 220kV Bến Tre - 110kV An Hiệp; Trạm 110kV Thanh Tân và đường dây đấu nối. Các công trình này đi qua các huyện Châu Thành, Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc và TP. Bến Tre, với tổng dung lượng 120mvA. Tổng chiều dài của các đường dây khoảng 139km.
Trong 6 công trình này, công trình Trạm biến áp 110kV An Hiệp và đường dây 110kV Bến Tre - An Hiệp, huyện Châu Thành sẽ giúp giải tỏa tình trạng thiếu điện trầm trọng trong các khu công nghiệp. Vì hiện nhiều nhà máy trong khu công nghiệp này có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nhưng không đủ điện để thiết bị hoạt động nên hoạt động cầm chừng, từ đó ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.
Hay như với công trình đường dây 110kV Phú Thuận - Bình Đại và đường dây 110kV Ba Tri - Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú sẽ giúp giải tỏa công suất các nhà máy điện gió ở 3 huyện ven biển. Hiện nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 19 dự án điện gió tổng công suất hơn 1.000MW triển khai trên địa bàn và đã có hơn 250MW điện được hòa lưới, tuy nhiên, do hạ tầng lưới truyền tải còn hạn chế dẫn đến các nhà máy điện gió chưa thể phát huy tốt công suất, chưa có nhiều đóng góp cho ngân sách và cho xã hội…
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm khẳng định: Khi các công trình được đầu tư sẽ tạo thành một mạch vòng khép kín để tăng cường độ tin cậy trong cung cấp điện, nhất là giảm ảnh hưởng khi có sự cố hoặc có nhu cầu sửa chữa. Cụ thể, hiện nay, huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại được cấp điện bởi 1 tuyến đường dây duy nhất từ TP. Bến Tre về Giồng Trôm, nếu cần sửa chữa trạm Giồng Trôm thì buộc phải cắt điện cả 2 huyện còn lại và điều này ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Nhưng khi chúng ta đã đầu tư 6 công trình này hoàn thành thì có sự cố ở khu vực nào chỉ ngắt điện ở khu vực đó.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Hiện nay, các công trình đường dây và trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ đầu tư, xây dựng, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia cho rằng, các công trình này có quy mô khá lớn, vốn đầu tư trên 670 tỷ đồng và tác động ảnh hưởng đến 6 huyện, thành phố và trên 2.000 hộ dân. Vì vậy, cần tập trung làm tốt công tác dân vận với quan điểm là công tác dân vận, công tác tuyên truyền, vận động phải đi trước một bước để tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án. Đến nay, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động thành lập Tiểu ban 6 theo quy định, Tiểu ban đã triển khai một loạt các công việc như biên soạn tài liệu tuyên truyền để gửi cho các huyện, thành phố, các ngành và họp báo báo chí...
Để triển khai thuận lợi công tác giải phóng mặt bằng, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ giao Tiểu ban 6 phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thành phố và các xã có các công trình đi qua, tập trung làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động theo phương pháp “mưa dầm thấm sâu”, các phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, sử dụng người có uy tín, người cao tuổi, lực lượng nòng cốt ở cơ sở để tập trung tuyên truyền, vận động. Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, yêu cầu là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương để làm động lực thúc đẩy cho người dân thực hiện.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết: Đối với tiểu ban đền bù giải phóng mặt bằng của tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, của địa phương phải tập trung tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tạo sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng như là đo đạc kiểm đếm, chi nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.
Đối với các cơ quan chức năng của địa phương liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tập trung vào nhân lực, thời gian để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Đồng thời, đối với những trường hợp cương quyết không thực hiện theo chủ trương thì hoàn chỉnh hồ sơ để thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật. Đối với chủ đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đối với những công trình mà địa phương đã bàn giao mặt bằng và hoàn chỉnh các thủ tục lựa chọn đơn vị thi công theo kế hoạch.
“Công trình điện là công trình rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh kêu gọi bà con nhân dân đồng thuận chủ trương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để các công trình sớm được đưa vào hoạt động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)
|
Bài, ảnh: Trung Trí