Đồng vốn đổi đời

24/01/2024 - 13:38

BDK - Năm cũ đã qua, khép lại bao lo toan vất vả để chào đón một năm mới tràn đầy niềm tin cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bằng các chính sách thiết thực, cụ thể là nhờ vốn tín dụng chính sách, năm 2023, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống, không có ai bị bỏ lại phía sau.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Nam phục vụ người dân tại điểm giao dịch xã An Thới. Ảnh: Thanh tâm

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Nam phục vụ người dân tại điểm giao dịch xã An Thới. Ảnh: Thanh tâm

Tiếp sức người nghèo

Mấy năm nay nhờ đường sá được đầu tư xây dựng, giao thông kết nối thuận tiện, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú không ngừng phát triển. Hơn 4 năm quay trở lại Mỹ An, chúng tôi nhận thấy đời sống bà con có nhiều đổi thay phấn khởi, trong đó có gia đình chị Nguyễn Thị Chi, ngụ ấp An Hòa, từ hộ cận nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), chị làm ăn khấm khá, xây được nhà khang trang, kiên cố.

“Vợ chồng tôi thuộc diện hộ cận nghèo, gom hết tiền nuôi tôm, rồi vụ tôm thất bát, tới tiền đi chợ còn không có thì nghĩ gì đến chuyện gầy dựng lại. Tôi đánh liều vay vốn Ngân hàng CSXH dành cho hộ cận nghèo được 50 triệu đồng, số tiền này là tối đa khung cho vay lúc bấy giờ. Tôi chọn vay vốn chính sách vì lãi suất thấp và nhất là vì tôi nghèo, chẳng có tài sản thế chấp, không thể vay được ngân hàng thương mại”, chị Nguyễn Thị Chi kể. Đất không phụ sức người, từ 50 triệu đồng vốn vay đó, anh chị may mắn trúng vụ tôm, chị Chi mua được đất, cất nhà khang trang. Không những trả hết nợ vay, thoát nghèo, nuôi con vào đại học, chị Chi còn tiếp tục mở thêm hướng đi mới, là thành lập tổ hợp tác bó chổi tại xã Mỹ An, giúp nhiều chị em trong xã có việc làm.

Làng nghề bó chổi Mỹ An, huyện Thạnh Phú có tiếng lâu nay. Chị Nguyễn Thị Chi cho biết: “Với sự tiếp sức của vốn vay dành cho hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, tôi vay 50 triệu đồng mua nguyên liệu về cho chị em bó chổi. Những tháng cuối năm 2023, sức tiêu thụ chổi trên thị trường giảm, tổ hợp tác cũng còn “trụ” được là nhờ có vốn vay ưu đãi trợ sức”. Hiện tổ hợp tác bó chổi của chị Chi có 9 chị em, trung bình mỗi ngày 1 chị bó được 40 cây chổi, tiền công khoảng 100 ngàn đồng. Số tiền này là thu nhập tăng thêm của các chị sau mỗi ngày cắt cỏ, chăn nuôi bò, cơm nước và đưa rước con cái đi học.

Thấy đồng vốn của Ngân hàng CSXH vừa có ý nghĩa, vừa mang lại hiệu quả cho người nghèo vươn lên, chị Nguyễn Thị Chi được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân tại xã Mỹ An. Tổ hiện có 60 tổ viên, các chị em vay vốn đều là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Chị Nguyễn Thị Chi là một trong số hàng vạn khách hàng đã vươn lên đổi đời nhờ đồng vốn vay của Ngân hàng CSXH.

Hiệu quả vốn vay

Trong năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho vay 1.438 tỷ đồng. Tính đến tháng 12-2023, tổng dư nợ 4.019 tỷ đồng, tăng 633 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn ủy thác địa phương là 183 tỷ đồng, chiếm 4,55% tổng nguồn vốn, tăng 68 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 340% chỉ tiêu tăng trưởng Trung ương giao. Nguồn vốn huy động đạt 562 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng (6,24%) so với đầu năm, đạt 110,06% chỉ tiêu kế hoạch.

Từ nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần giúp cho hơn 38.631 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh; 6.244 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đi học; hỗ trợ vốn cho 549 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giải quyết việc làm cho gần 19.380 lao động; xây mới và cải tạo 1.276 ngôi nhà cho hộ nghèo; xây mới, sửa chữa 125 căn nhà ở xã hội...

Nguồn vốn chính sách đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Năm 2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 21.427 lao động, đạt 107,13%, đưa 2.038 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 101,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,55%. Góp phần kéo giảm 3.445 hộ nghèo so với đầu năm. Hiện toàn tỉnh còn 10.628 hộ nghèo, tỷ lệ 2,64%; hộ cận nghèo còn 10.496 hộ, tỷ lệ 2,6% (giảm 4.557 hộ, tỷ lệ 1,06% so với đầu năm).

Huy động nguồn lực

Ngày 29-11-2023, UBND tỉnh có công văn gửi các sở, ban, ngành tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, UBND các huyện, thành phố về tập trung huy động nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 (Đề án số 7379/ĐA-UBND của UBND tỉnh). Theo đó, mục tiêu cụ thể của đề án là tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng CSXH đến năm 2025 tại tỉnh đạt 4.761,58 tỷ đồng và đạt 7.781,58 tỷ đồng vào năm 2030. Hàng năm, ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng CSXH. Nguồn vốn ủy thác địa phương sang Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 454.67 tỷ đồng (tương đương gần 10% tổng nguồn vốn) vào năm 2025 và đạt 1.184.67 tỷ đồng (tương đương 15% tổng nguồn vốn) vào năm 2030.

Giải quyết cho 577.707 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Trong đó, 14.582 hộ nghèo, 22.985 hộ cận nghèo, 15.640 hộ mới thoát nghèo, 40.554 hộ gia đình học sinh, sinh viên, 268.388 hộ vay xây công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 160.636 lao động tạo việc làm tại địa phương, 8.377 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, 43.338 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, 1.060 thương nhân vùng khó khăn và 2.147 người vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Mạnh Hoài cho biết: “Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng CSXH, đảm bảo nguồn vốn được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động tín dụng CSXH. Đẩy mạnh hoạt động cho vay, mở rộng hạn mức cho vay. Đặc biệt, phát huy tốt vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp cơ sở trong việc tuyên truyền, triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, hướng dẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh, sử dụng hiệu quả vốn vay, trong giám sát và thu hồi vốn vay, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch và thật sự hiệu quả”.

Ngày 7-12-2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2024. Theo đó, tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong đó, đề ra chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người đạt 60,3 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,25% (giảm 0,25%/năm); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38%; giải quyết việc làm cho 20 ngàn lao động, trong đó có trên 2.500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng...

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN