Khơi thông nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

24/01/2024 - 05:58

BDK - Năm 2024, Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng ít nhất 100 tỷ đồng đối với nguồn vốn ngân sách ủy thác địa phương. Chỉ tiêu này rất quan trọng, bởi nguồn vốn tín dụng CSXH là vốn đầu tư xã hội, giúp xã hội ổn định.

Chị Nguyễn Thị Chi, ngụ xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú nhờ vốn vay thành lập tổ hợp tác bó chổi giúp đỡ nhiều chị em trong ấp có thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Chi, ngụ xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú nhờ vốn vay thành lập tổ hợp tác bó chổi giúp đỡ nhiều chị em trong ấp có thêm thu nhập.

Góp phần ổn định xã hội

Năm 2023, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách đạt 184 tỷ đồng, tăng 70,2 tỷ đồng (61,22%), hoàn thành 351% kế hoạch tăng trưởng Trung ương giao. Dư nợ đạt 4.018,8 tỷ đồng, tăng 637 tỷ đồng (18,84%) so với đầu năm. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,15%, giảm 0,05% so với đầu năm.

Năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho 7.054 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay, với số tiền 50,9 tỷ đồng. Cho vay 11.606 người lao động tạo việc làm, với số tiền 524,6 tỷ đồng. Cho vay 354 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, với số tiền 30 tỷ đồng. Cho vay 16.535 lượt hộ xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nông thôn, số tiền 312,6 tỷ đồng. Cho vay 1.782 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, số tiền 111,9 tỷ đồng… Nguồn vốn cho vay đã góp phần ổn định và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Lam Thùy Dương cho rằng: Năm 2023 là một năm nỗ lực vượt bậc của của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh; hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Nghị quyết số 181/NQ-CP ngày 2-11-2023 của Chính phủ về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu nguồn vốn ủy thác

Năm 2024, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đề ra các chỉ tiêu, gồm: Hoàn thành vượt 100% chỉ tiêu nguồn vốn ngân sách ủy thác địa phương năm 2024 (phấn đấu tăng trưởng ít nhất 100 tỷ đồng). Hoàn thành 100% chỉ tiêu huy động tiền gửi. Ít nhất 80% thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tham gia gửi tiết kiệm qua tổ hàng tháng. Hoàn thành trên 99% kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tiến độ và chất lượng (phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 10%). Tỷ lệ thu lãi đạt trên 99%.

Tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn ít nhất 95%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,14%. Tăng ít nhất 10 xã không có nợ quá hạn. Giảm 20% số tổ TK&VV có nợ quá hạn (79 tổ). 100% đơn vị cấp huyện có hoạt động giao dịch xã. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã, huyện, tỉnh xếp loại tốt. Tối thiểu 96% tổ TK&VV xếp loại tốt và khá. Kéo giảm tổ xếp loại trung bình, không có tổ yếu...

Tại hội nghị tổng kết hoạt động Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh năm 2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười - Trưởng ban đại diện HĐQT cho rằng: Cần phải quan tâm thực hiện chỉ tiêu nguồn vốn ngân sách ủy thác địa phương. Bởi vốn tín dụng CSXH là vốn để ổn định xã hội, có ổn định xã hội mới phát triển kinh tế. Người dân cần có nguồn vốn để tạo công ăn việc làm, thu nhập để sinh sống và ổn định gia đình.

“Năm 2024, các thành viên trong HĐQT tiếp tục bám theo các nhiệm vụ phân công. Quan tâm công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch đã ban hành. Qua đó, kịp thời giúp cơ sở thực hiện tốt, hoặc điều chỉnh từng nội dung, từng công việc. Chú trọng công tác tuyên truyền để người dân biết về 14 chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH”.

 (Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười)

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN