Dự án thích ứng biến đổi khí hậu Bến Tre: Tác động tích cực vào phát triển sản xuất và đời sống

29/06/2018 - 07:33

Lao động nữ được giải quyết việc làm.

Lao động nữ được giải quyết việc làm.

Dự án thích ứng biến đổi khí hậu Bến Tre (Dự án AMD) chính thức khởi động từ năm 2014, với mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi, nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Toàn tỉnh có 30 xã, thuộc 8 huyện nằm trong vùng dự án. Dự án tác động trực tiếp, tạo thay đổi tích cực ở lĩnh vực “tam nông”, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

Trao “cần câu”

Người nghèo, cận nghèo, phụ nữ làm chủ hộ ở các xã nông thôn trong vùng dự án là 1 trong 3 đối tượng hỗ trợ chính của dự án. Chị Lê Thị Thùy Vân, ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri là một điển hình về phụ nữ làm chủ hộ. Từ hoàn cảnh nghèo khó, với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, chị được dự án đồng hành, trao chiếc “cần câu”, giúp chị thay đổi hoàn cảnh gia đình.

Cũng giống như bao nhiêu phụ nữ nông thôn khác trên địa bàn An Hiệp, huyện Ba Tri nói riêng và các huyện khác nói chung, chị Vân cũng muốn kiếm cho mình công việc ổn định để nâng cao thu nhập. Năm 2013, nhận thấy việc đan ghế nhựa đã xuất hiện nhiều nơi ở các huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú có thể giúp phụ nữ kiếm tiền, cải thiện thu nhập gia đình, chị Vân đã nhanh chóng tiếp cận mô hình này, nhận ghế nhựa về làm. Từ đó, chị quyết tâm đeo đuổi công việc mà bản thân thấy phù hợp với mình và nhiều lao động khác tại địa phương.

Một dự án khởi nghiệp từ cây dược liệu xã Tân Phú, huyện Châu Thành được dự án hỗ trợ.

Một dự án khởi nghiệp từ cây dược liệu xã Tân Phú, huyện Châu Thành được dự án hỗ trợ.

Là xã nằm trong vùng dự án triển khai, năm 2017, 2018, chị đã được dự án khảo sát và trao vốn hỗ trợ 75 triệu đồng, tương đương hỗ trợ không hoàn lại 49% tổng mức đầu tư của chị. Phần còn lại, chị đối ứng 60 triệu đồng tiền mặt và tài sản khác. “Đến nay, tôi đã sở hữu xưởng đan ghế nhựa khoảng 40m2 và tạo việc làm thêm cho hàng chục lao động tại địa phương, trong đó có 30 - 40% là phụ nữ” - chị Vân kể.

Chị Nguyễn Thị Hồng Mai cũng là một trong số những phụ nữ tại địa phương, có con nhỏ, phải chăm lo gia đình, không có điều kiện đi làm xa và đã tham gia nhận hàng từ xưởng của chị Vân để mang về nhà làm thêm. Từ việc làm thêm bán thời gian khi con của chị còn nhỏ, đến nay khi con đã lớn và đi học, chị Mai đã có thể dành trọn thời gian để đan ghế và xem đây là nghề tạo thu nhập chính cho gia đình. Bình quân chị kiếm được 150 ngàn đồng/ngày.

Từ chiếc “cần câu” của Dự án AMD, chị Vân không những thoát nghèo mà có thể phát triển cơ sở, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, trong đó có phụ nữ và người nghèo.

Tác động vào “tam nông”

Bên cạnh hỗ trợ người nghèo, phụ nữ làm chủ hộ, Dự án AMD còn thực hiện các mục tiêu chiến lược khác là hỗ trợ tỉnh trong phát triển nông thôn thông qua các hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp có hướng đến đầu tư vào nông thôn, lồng ghép hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, giải quyết việc làm, giúp tỷ lệ hộ nghèo tham gia dự án giảm, nâng cao năng lực cho cộng đồng và thể chế thông qua việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho cấp xã, huyện có lồng ghép thích ứng BĐKH…

Ông Nguyễn Khắc Hân - Giám đốc Ban điều hành Dự án AMD Bến Tre cho biết, dự án do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế tài trợ, thực hiện giai đoạn 2014 - 2020. Tổng mức đầu tư 24,6 triệu USD. Đến nay, có 2 mục tiêu đã đạt gần 100% kế hoạch là lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ số hộ nghèo, cận nghèo.

Đánh giá chung về kết quả dự án, ông Hân nhận định: Đa số hoạt động có hiệu quả, năng suất cây trồng, vật nuôi cao hơn khi chưa có dự án. Hầu hết nhóm hưởng lợi được hỗ trợ thực hiện mô hình nông nghiệp có kết quả khá tốt. Các tổ nhóm tín dụng, tổ nhóm sản xuất, kinh doanh được hình thành và đi vào hoạt động đạt hiệu quả bước đầu. Các hộ nghèo, hộ phụ nữ được ưu tiên tham gia hưởng lợi đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổ hợp tác, hợp tác xã được dự án đầu tư có lợi nhuận khá, tăng thu nhập cho hộ nghèo và cận nghèo từ 800 ngàn đến 4 triệu đồng/tháng.

 “Hướng tới, Dự án AMD tập trung cho chiến lược hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào phát triển nông nghiệp, phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng chuỗi các sản phẩm chủ lực, trong đó có lồng ghép hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp” - ông Nguyễn Khắc Hân cho biết thêm.

Qua hơn nửa chặng đường thực hiện, dự án đã thực hiện hoàn thành 45 công trình hạ tầng thích ứng với BĐKH phục vụ tốt hơn cho sản xuất và dân sinh, giúp giảm thiểu tác động của BĐKH. Đến cuối năm 2017, có 1.489 nhóm tín dụng tiết kiệm với 6.103 thành viên; trong đó có 2.275 thành viên là hộ nghèo, 5.138 thành viên nữ với số tiền giải ngân khoảng 32,02 tỷ đồng. Đã có 354 tiểu dự án được tài trợ thực hiện các sinh kế nông nghiệp và phi nông nghiệp. 10 dự án đầu tư cho 10 doanh nghiệp theo mô hình hợp tác công tư, trong lĩnh vực liên kết thu mua, chế biến dừa, thủ công mỹ nghệ, du lịch; liên kết chăn nuôi, sơ chế và tiêu thụ gia súc, rau sạch và trái cây, sản xuất đất sạch và phân trùn quế…

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN