Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

Đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

27/07/2022 - 05:40

BDK - Việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi (KĐPCN) và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi (CSCN) ra khỏi khu vực KĐPCN trên địa bàn tỉnh (theo Nghị quyết - NQ số 30/NQ-HĐND, ngày 9-12-2020 của HĐND tỉnh) có hiệu lực đến tháng 12-2024. Quy định này nhằm từng bước di dời các CSCN ra khỏi khu vực KĐPCN, đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh. Đến hết năm 2024, sẽ chấm dứt hoạt động chăn nuôi để di dời đối với CSCN thuộc diện phải di dời. Qua gần 2 năm, kết quả mới chỉ dừng lại ở việc triển khai các văn bản, chưa có hoạt động di dời nào trên thực tế.

Các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo lộ trình.

Các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo lộ trình.

Kết quả triển khai

Chăn nuôi là một trong những ngành rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vật nuôi chủ lực của tỉnh là heo, bò và gia cầm. Ngành chăn nuôi còn bộc lộ những hạn chế, bất lợi cần phải được giải quyết. Đó là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư còn chiếm phần lớn, dẫn đến ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh, lây lan trên diện rộng và lưu hành mầm bệnh nhiều năm trong môi trường chăn nuôi. Quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến không đảm bảo, chưa được kiểm soát đầy đủ dẫn đến sản phẩm chất lượng không cao, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất phần lớn chưa gắn với yêu cầu của thị trường...

Mục tiêu của việc thực hiện NQ số 30/NQ-HĐND là thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh về: quy định khu vực KĐPCN, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời CSCN ra khỏi khu vực KĐPCN trên địa bàn tỉnh, để triển khai Luật Chăn nuôi, xây dựng các chủ trương, chính sách của tỉnh phù hợp với tình hình chăn nuôi tại địa phương.

NQ này cũng phù hợp với định hướng phát triển ngành chăn nuôi bền vững, điều chỉnh quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, chuyển dịch ra khỏi nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư đến vùng nông thôn; hình thành vùng, CSCN an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo môi trường sinh thái.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, ngay khi NQ số 30/NQ-HĐND được ban hành, sở đã xác định nhiệm vụ là cơ quan thường xuyên theo dõi tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung quy định tại NQ số 30/NQ-HĐND. Cụ thể, tổ chức 9 hội nghị triển khai NQ này tại các huyện, thành phố; duy trì triển khai liên tục bằng nhiều văn bản triển khai; văn bản phối hợp tổ chức hội nghị triển khai; văn bản nhắc nhở đôn đốc thực hiện NQ số 30/NQ-HĐND đến các địa phương, theo đó đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện NQ HĐND đến các xã, người dân biết thực hiện; tổ chức 9 cuộc kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh về kết quả công tác quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các huyện thành phố.

Quan trọng hơn là ngành đã ban hành văn bản mang tính chất cụ thể hóa NQ số 30/NQ-HĐND để phổ biến, hướng dẫn rõ hơn, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện nội dung NQ đến các địa phương, nhằm giúp cho địa phương chủ động tổ chức thực hiện cho từng năm, đến hết lộ trình thời gian khi kết thúc NQ.

Qua các hoạt động triển khai này, ngành nông nghiệp luôn nhấn mạnh rõ các mục tiêu của NQ, với quan điểm nghiêm cấm việc chăn nuôi tại các khu vực KĐPCN là khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, các công trình công cộng và điểm dân cư nông thôn. Từng bước di dời các CSCN ra khỏi khu vực KĐPCN, nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, xây dựng Bến Tre thành đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt.

Đến nay, các huyện, thành phố triển khai NQ này khá chậm. Hầu hết vẫn đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn, rà soát thống kê các cơ sở thuộc diện di dời, dự trù kinh phí để xây dựng kế hoạch tập trung triển khai vào năm tới. “Khó khăn là mặc dù đã triển khai NQ đến tất cả các xã, phường nhưng do người dân còn chậm đăng ký kê khai chăn nuôi tại địa phương, vẫn còn suy nghĩ chủ quan trông chờ vào sự duy trì hoạt động chăn nuôi tại CSCN hiện tại. Vì theo NQ số 30/NQ-HĐND quy định đến năm 2024 sẽ chấm dứt hoạt động chăn nuôi để di dời đối với CSCN thuộc diện phải di dời…”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết.

Tập trung các giải pháp

Để thực hiện nghiêm các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, vai trò trách nhiệm quản lý ở địa phương là rất lớn trong việc thống kê rà soát các CSCN, xác định khu vực KĐPCN, quy định vùng nuôi chim yến, chính sách hỗ trợ di dời ra khỏi khu vực KĐPCN, dự toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ.

Về các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường triển khai thực hiện NQ. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, sâu rộng trong nhân dân. Qua tuyên truyền, vận động phải kiên quyết “không cho phát triển thêm CSCN mới, giữ nguyên hiện trạng cơ sở đã chăn nuôi” thuộc khu vực KĐPCN tại địa phương.

Rà soát thống kê, tổ chức xác định ranh giới các vùng thuộc khu vực KĐPCN trên từng địa bàn, tổ chức hướng dẫn người dân cam kết di dời và thông báo công khai để người dân được biết.

Xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí hỗ trợ di dời các CSCN ra khỏi khu vực KĐPCN theo lộ trình thực hiện hàng năm tại địa phương đến năm kết thúc NQ số 30/NQ-HĐND là năm 2024. Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ UBND các huyện, thành phố thực hiện. Tổng hợp kết quả thực hiện, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Theo NQ số 30/NQ-HĐND, định mức hỗ trợ 50% giá trị đầu tư, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/hộ. Trước hết, các địa phương phải có kế hoạch, vận động các hộ chăn nuôi KĐPCN trong khu vực quy định di dời phải đăng ký và thực hiện di dời sang vùng được phép chăn nuôi. Các hộ sẽ nhận được kinh phí hỗ trợ sau khi hoàn thành việc di dời.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN