Dự án Jica - Sofri

14/12/2015 - 08:00

Ông Lê Văn Tư đang thu hoạch cam sành.

Trước năm 2002, Mỏ Cày nổi tiếng về trồng cam. Sau đó, cam sành thất bại do bệnh vàng lá Greening và bệnh nấm hồng. Từ năm 2009 đến nay, việc trồng cam ở huyện Mỏ Cày Bắc được phục hồi trở lại nhờ Dự án Jica - Sofri.

Dự án Jica - Sofri được thực hiện tại huyện Mỏ Cày Bắc từ tháng 10-2009 đến 9-2014. Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mục đích của Jica - Sofri là thiết lập mạng lưới khuyến nông từ Sofri, ở các tỉnh gồm: Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông; qua đó, thực hiện phương pháp canh tác mới trên mô hình vườn mẫu, cùng với nông dân thực hiện, giúp tăng cường kinh nghiệm và khả năng khuyến nông một cách có hiệu quả, nhằm giúp nông dân trồng cam nâng cao thu nhập.

Dự án thực hiện mô hình mẫu tại 1 hộ ở xã Thạnh Ngãi và 2 hộ ở xã Tân Phú Tây với tổng diện tích 1,7ha. Hiện nay, Dự án Jica - Sofri có 23 hộ tham gia, với tổng diện tích 12,1ha. Ông Lê Phát Tân ở ấp Tân Lợi, xã Tân Phú Tây cho hay: Tôi là một trong 3 hộ được thực hiện mô hình mẫu vườn cam sành theo Dự án Jica - Sofri, năm 2010 mới thật sự bắt đầu trồng. Kết quả rất khả quan, có tính bền vững khá cao.

Tân Phú Tây hiện có 6 hộ tham gia, với tổng diện tích hiện tại 2,2ha. Mô hình nào cũng rất thành công, trong đó có hộ ông Lê Văn Tư ở ấp Tân Lợi. Trên diện tích 3.000m2 ruộng lúa kém hiệu quả, ông Lê Văn Tư lên bờ trồng cam sành theo quy trình, kỹ thuật của Dự án Jica - Sofri. Ông Tư cho biết: Nhiều người trồng cam trước đây không quan tâm kỹ thuật nên dẫn đến thất bại. Sau khi tham gia tập huấn của Dự án, tôi nghiêm túc áp dụng trong trồng cam sành. Nguồn cây giống lấy từ Sofri. Trồng cây cách cây 4m, hàng cách hàng 5m. Mô trồng cao 5 tấc, chân mô rộng 1,2 - 1,5m, mặt mô rộng 1m, lỗ trồng rộng 40cm, sâu 10cm. Trước khi trồng, bón lót cho mỗi mô 10kg phân hữu cơ, 0,5kg phân hóa học, 0,3kg vôi, 0,5kg phân lân. Cắt bỏ bao nilon bầu cây, uốn rễ cho nằm ngang (không giũ đất, không cắt rễ) đặt cây giống trồng ngay lập tức vào lỗ trồng, đắp đất và nén nhẹ, tưới đủ nước khi vừa trồng, dùng lá cây che vài ngày cho cam không bị quá nắng. 10 ngày trước khi trồng nên tưới thuốc lưu dẫn: Admire, Kola, Confidor… vào lỗ trong mô. Vài ngày sau, trồng xen ổi vào khoảng giữa cây cách cây, hàng cách hàng để xua đuổi rầy chổng cánh (đây là loại rầy lây truyền bệnh vàng lá Greening). Trong quá trình bón phân nên sử dụng phân chuồng hoai đã được xử lý bằng vôi. Thuốc trừ sâu, rầy nên sử dụng thuốc sinh học. 3 công đất này tôi trồng 120 cây cam, xen 250 cây ổi không hạt. Trong quá trình chăm sóc, tôi có sổ theo dõi, ghi lại thời gian bón phân, xịt thuốc, thu hoạch. Hiện tại, tôi đã thu hoạch cam sành được 17 tấn, tổng thu nhập được 378 triệu đồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2016, trên cây hiện còn khoảng 4 tấn. Chỉ riêng ổi, tôi đã thu hoạch gần 1,9 tấn, thu lãi 15 triệu đồng. Trong khi đó, 3 công đất này trước đây trồng lúa mỗi năm thu lợi không quá 18 triệu đồng.

Ông Lê Văn Xiêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc cho hay: Bên cạnh 23 hộ trong Dự án, có những hộ lân cận thấy dự án này đạt hiệu quả cao nên tự tham gia. Hộ ông Lê Văn Sol ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú Tây tự trồng 2.000m2 cam sành theo quy trình kỹ thuật của Jica - Sofri nguồn cam trồng từ Sofri. Cũng ở ấp Tân Lợi, xã Tân Phú Tây, ông Lê Văn Triều đang chuẩn bị trồng 5 công cam sành, xen bưởi da xanh theo quy trình kỹ thuật của Dự án Jica - Sofri.

Dự án Jica - Sofri đang từng bước đem lại hiệu quả cao cho nông dân huyện Mỏ Cày Bắc. Bà Phan Thị Thu Sương cho biết thêm: Dự án Jica - Sofri có 126 hộ ở 5 tỉnh tham gia gần 74ha với tổng kinh phí không hoàn lại gần 20 tỷ đồng, trong đó Bến Tre được viện trợ gần 2,2 tỷ đồng. Đây là điều kiện để nông dân Bến Tre nhân rộng mô hình trồng cam sạch, an toàn phục vụ thị trường trong và ngoài nước; nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Jica - Sofri là Dự án “Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây có múi cho nông dân nghèo 5 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long”, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Trà Vinh. Dự án này do các chuyên gia Nông nghiệp của Nhật Bản cùng các cộng sự của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri), ngành nông nghiệp của 5 tỉnh phối hợp thực hiện.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích