Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi): Tăng tính chủ động cho địa phương

14/05/2025 - 18:57

BDK.VN - Ngày 14-5-2025, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Dự án luật có nhiều nội dung mới phù hợp với thực tiễn về quản lý và điều hành nền tài chính quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.

 

Dự án luật có nhiều nội dung mới phù hợp với thực tiễn về quản lý và điều hành nền tài chính quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. (Ảnh: QH/Vietnam+)

Đổi mới cơ chế và phân cấp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước là một yêu cầu cấp thiết, xuất phát từ những thay đổi sâu sắc của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

"Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng trưởng ở mức hai con số trong kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc," ông Thắng cho biết.

Theo đó, dự án luật được xây dựng trên cơ sở tóm tắt các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, đặc biệt là các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tư Lâm tại các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, dự án luật cũng kế thừa và phát triển những nội dung đã được đề cập trong Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 về việc nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước.

Mục tiêu xuyên suốt của dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) là thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về ngân sách Nhà nước. Theo đó, dự án luật tập trung vào việc đổi mới cơ chế, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương đồng thời tăng tính chủ động cho ngân sách địa phương.

Một trong những quan điểm xây dựng luật quan trọng là phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Dự án luật đề cao nguyên tắc "cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện," đồng thời khuyến khích các địa phương chủ động thí điểm các phương án mới, sáng tạo.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các quy trình lập, chấp hành và quyết toán ngân sách cũng là một ưu tiên hàng đầu của dự án luật. Mục tiêu là tạo ra một quy trình minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu chi phí và thời gian cho các cơ quan, đơn vị liên quan.

Dự án luật cũng đặt ra yêu cầu cao về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ giữa các quy định pháp luật.

Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) bao gồm nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, tập trung vào bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, quy trình lập dự toán, tăng cường phân cấp, phân quyền.

Dự án luật đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến số kiểm tra, kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm; các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách cho thời kỳ ổn định ngân sách; thủ tục thẩm định quyết toán ngân sách Nhà nước của cơ quan tài chính đối với ngân sách cấp dưới trực tiếp ở địa phương.

Thay đổi căn bản phương thức phân chia

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết dự án luật hướng tới thay đổi căn bản phương thức phân chia, quy định tỷ lệ các khoản thu thuế, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Mục tiêu là đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương đồng thời tăng tính chủ động cho ngân sách địa phương, đảm bảo nguồn ngân sách địa phương không bị giảm và có mức tăng trưởng hợp lý.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, dự án luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ chi lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, các nhiệm vụ chi sẽ được bố trí từ hai nguồn chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, nhằm tăng cường chủ động, linh hoạt và đảm bảo hiệu quả kịp thời hơn. Dự án luật đề xuất sửa đổi bổ sung quy trình lập dự toán ngân sách hàng năm, yêu cầu và căn cứ xây dựng dự toán nhằm tăng cường trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, báo cáo đầy đủ các nguồn thu nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Ngoài ra, dự án luật hướng tới tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc quyết định dự toán, điều chỉnh dự toán, phân bổ ngân sách, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan đơn vị đối với dự toán được giao, tăng cường quyền cho địa phương các tỉnh trong ban hành chính sách.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự án luật. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn nữa dự án luật.

Trong đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị không bổ sung nội dung về các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước được bố trí từ hai nguồn chi đầu tư công và chi thường xuyên, do lo ngại về sự trùng lặp với các quy định hiện hành. Về dự phòng ngân sách Nhà nước, luật sửa đổi nên giữ nguyên mức dự phòng ngân sách như quy định hiện hành, thay vì tăng lên tối đa 5% như đề xuất.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí với việc phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương đồng thời giao Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong việc quyết định mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thêm vào đó, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thẩm quyền điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước thuộc về Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN