Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

11/03/2022 - 06:01

BDK - Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh quan tâm ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp (NN). Một số mô hình mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết tại địa phương.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Năng suất, chất lượng cao

Năm 2020, ông Hồ Tao Đàn, ngụ xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú, quyết định nghỉ chăn nuôi bò để chuyển diện tích trồng cỏ sang trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao (CNC). Khi đó, gia đình ông đã bỏ ra gần 150 triệu đồng để xây dựng 2 nhà màng, với diện tích 800m2, hệ thống bồn chứa nước, máy bơm, ống tưới nhỏ giọt, giá thể… Toàn bộ quy trình sản xuất được Trung tâm NN ứng dụng CNC tỉnh chuyển giao, hướng dẫn. Đến nay, gia đình ông Đàn sản xuất 6 vụ dưa lưới, hiện đã thu hồi vốn đầu tư ban đầu và có lãi.

Ông Đàn cho biết: Trước đây sản xuất NN theo kiểu cũ năng suất, chất lượng thấp nên thường không có lợi nhuận cao. Từ khi sản xuất theo mô hình ứng dụng CNC gần như tự động hoàn toàn, rất ít tốn công, sản phẩm làm ra chất lượng cao nên giá ổn định. Mô hình này tốn chi phí đầu tư vừa phải nên người dân có thể áp dụng để phát triển NN theo hướng bền vững.

Gia đình ông Đàn bán sản phẩm làm ra qua kênh online. Vụ dưa lưới trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, gia đình ông thu hoạch gần 2 tấn quả thì có đến 95% bán qua mạng xã hội. Những địa điểm gần trong xã, trong huyện, ông Đàn kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng. Những khách hàng xa thì gửi qua hệ thống bưu điện, xe khách, xe buýt… Ông Đàn cho biết: “Mấy chục năm sản xuất NN, tôi chủ yếu bán qua thương lái nên hầu như trong đầu không có suy nghĩ sẽ bán trực tiếp cho người mua. Đợt vừa qua khi thu hoạch ngay dịch Covid-19, gia đình chuyển sang bán online. Không ngờ toàn bộ sản phẩm bán hết trong mấy ngày. Sắp tới, gia đình sẽ chuyển qua bán hàng online để được giá cao hơn, không bị thương lái ép giá như trước đây”.

Giám đốc Trung tâm NN ứng dụng CNC tỉnh Nguyễn Quốc Trung cho biết: Trong thời gian qua, trung tâm đã chuyển giao nhiều mô hình NN ứng dụng CNC như: sản xuất dưa lưới, rau thủy canh, trồng nấm, nuôi cá chạch lấu, ếch… Trong đó, các mô hình được chú trọng đầu tư phù hợp với điều kiện diện tích đất nhỏ, manh mún tại địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tỉnh đang tập trung khuyến khích phát triển các mô hình NN ứng dụng CNC. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 2.500ha diện tích NN ứng dụng CNC như: nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá, sản xuất rau thủy canh, dưa lưới, rau an toàn… Phó giám đốc Sở NN và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang phát triển các mô hình sản xuất NN ứng dụng CNC để hướng đến sản xuất sạch. Ngành NN đang tổ chức sản xuất, chuyển giao trong nuôi tôm CNC, kỹ thuật tưới nhỏ giọt, nhà màng trồng trọt... Đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cải thiện giống bằng phương pháp vi ghép, cấy mô và các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình hữu cơ. Trong đó, tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, đất đai diện tích nhỏ của địa phương và nhu cầu thị trường để phát triển bền vững”.

Tạo đột phá từ chính sách

Ngày 29-1-2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn  đến 2030, trong đó có nuôi tôm CNC. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ phát  triển 4 ngàn ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC và đến năm 2030 là 5 ngàn ha. Qua năm đầu tiên thực hiện nghị quyết tại 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC đạt 50%, với khoảng 2 ngàn ha.

Mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong nhà màng tại tỉnh Bến Tre đạt hiệu quả cao. Ảnh tư liệu

Mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong nhà màng tại tỉnh Bến Tre đạt hiệu quả cao. Ảnh tư liệu

Giám đốc Sở NN và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết: Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi theo hướng CNC. Đồng thời, tỉnh tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm sú, tôm chân trắng có thị trường tốt; nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm theo CNC, nuôi an toàn sinh học, nuôi 2 giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2 ngàn ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC, năng suất bình quân 12 tấn/ha/vụ, cao gấp 4 lần so với nuôi thâm canh trước đây, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi.

Tuy vậy, để phát triển nuôi tôm CNC thì nhu cầu về vốn rất lớn. Trung bình 1ha nếu đầu tư nuôi tôm CNC thì khoảng 1 tỷ đồng. Vì vậy, trong thời gian qua, chỉ một số nông dân khá giả mới có khả năng đầu tư. Còn lại, những hộ dân ít vốn, diện tích sản xuất nhỏ lẻ chấp nhận rủi ro để sản xuất theo kiểu cũ. Gia đình ông Đặng Văn Bảy (ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) làm giàu nhờ nuôi tôm CNC, đem về thu nhập hơn chục tỷ đồng mỗi năm. Ông Bảy cho biết: Mô hình nuôi tôm CNC phải đầu tư khá lớn. Trung bình khoảng 1 tỷ đồng/ha nhưng hiệu quả mang lại rất lớn do không dịch bệnh, nước xử lý kỹ nên tôm mau lớn. Ông áp dụng nuôi 2 giai đoạn, 1ha chỉ cho nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước. Diện tích còn lại là ao ươm và ao xử lý nước. Tôm nuôi với mật độ cao nên cần rất nhiều nước sạch để thay đổi liên tục. Khi đó, năng suất khoảng 9 tấn, cao hơn 3 lần so với thả nuôi theo bình thường. Cái khó là nông dân cần rất nhiều vốn để đầu tư.

Để giải quyết những vướng mắc và cụ thể hóa Nghị quyết Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển nuôi tôm CNC với tổng kinh phí đầu tư hơn 10.705 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, còn lại là vốn của dân, vốn doanh nghiệp đầu tư. Dự kiến đến năm 2025, sản lượng tôm biển ứng dụng CNC đạt 144 ngàn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%, giá trị sản xuất ngành tôm đạt 1 tỷ USD.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm CNC và đầu tư nhà máy chế biến tôm…

Cụ thể, tỉnh phát triển các mô hình hợp tác, liên kết các hộ nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn. Tập trung làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.

Chuyển đổi một số vùng sản xuất NN kém hiệu quả thành vùng nuôi thủy sản chuyên canh, phù hợp với quy hoạch, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp thoát nước đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng CNC tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Thành Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích