Đưa di sản văn hóa giới thiệu với công chúng Thủ đô

20/01/2019 - 21:10

Sáng 20-1-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và cắt băng khai mạc triển lãm "Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum – Báu vật đại ngàn" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Báo Tổ quốc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Báo Tổ quốc

Đến dự triển lãm còn có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ; Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương và nhân dân Thủ đô.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý tưởng, sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Kom Tum trong việc đưa di sản văn hóa, sản vật của tỉnh trong đó có sâm Ngọc Linh ra trưng bày ở Thủ đô Hà Nội ngay vào những ngày đầu của năm mới 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, triển lãm lần này là cơ hội tốt nhằm giới thiệu văn hóa, di sản, tài liệu, hiện vật, đặc biệt là sâm Ngọc Linh để người dân trong và ngoài nước biết tới. Triển lãm cũng bước đầu thể hiện sự đổi mới của hoạt động bảo tàng với nội dung, hình thức sinh động, tạo được tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chuyển biến mạnh mẽ hệ thống bảo tàng Việt Nam trong sự nghiệp phát huy giá trị của di sản văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, trực tiếp đóng góp vào du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thủ tướng đánh giá cao việc lựa chọn Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tổ chức sự kiện này, bởi đây là nơi lưu trữ các giá trị văn hóa, lịch sử, cội nguồn của dân tộc, là nơi bạn bè quốc tế, nguyên thủ các quốc gia, doanh nhân, nhà đầu tư, du khách quốc tế đến thăm và tìm hiểu về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam. Cũng như sâm Ngọc Linh là "quốc bảo" của dân tộc, tinh hoa mà trời đất đã ban tặng do đó cần phải gìn giữ, bảo tồn, phát triển quốc bảo này thành quốc kế dân sinh cho người dân, đất nước…

Thủ tướng cũng lưu ý, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, niềm tự hào dân tộc mà cần hành động để nơi đây ngày càng thu hút đông đảo du khách. Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành vào cuộc để đổi mới môn học Lịch sử, nhằm bồi dưỡng được ý thức dân tộc, thu hút các tài năng trẻ của Việt Nam trên thế giới về cống hiến cho nước nhà, kết nối các thế hệ hiện nay, tương lai với cội nguồn, lịch sử, dân tộc, văn hiến… Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phát huy sức mạnh dân tộc trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc tích cực, có trách  nhiệm để làm cho môn Lịch sử hấp dẫn hơn chứ đây không chỉ là việc của riêng ngành giáo dục…

Triển lãm chuyên đề “Di sản văn hóa và sâm Ngọc Linh Kon Tum – Báu vật đại ngàn”  diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ ngày 20/1 đến hết năm 2019. Triển lãm do UBND tỉnh Kon Tum và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp tổ chức.

Với hơn 200 hiện vật, tại liệu, hình ảnh, triển lãm gồm 2 phần: Di sản văn hóa tiêu biểu tỉnh Kon Tum và Sâm Ngọc Linh “Quốc bảo của Việt Nam”. Đây là triển lãm đầu tiên giới thiệu, quảng bá đầy đủ và toàn diện các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Kon Tum và giá trị đặc biệt của sâm Ngọc Linh tại Hà Nội.

Triển lãm giới thiệu khái quát về văn hóa, thiên nhiên và những sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến đông đảo nhân dân Hà Nội thông qua các hiện vật bao gồm: Nông cụ lao động, dụng cụ săn bắn, đánh bắt, đồ dùng sinh hoạt gia đình; ghè (ché), nồi đồng, trang phục, trang sức, nhạc cụ, tài liệu khoa học...

Trong khuôn khổ triển lãm còn có trình diễn nghề thủ công truyền thống: Làm gốm của người Ba Na, nhuộm sợi, dệt vải dân tộc Xơ Đăng, đan lát, chế tác dụng cụ săn bắn, đánh bắt và chế tác nhạc cụ; nghề rèn; trình diễn các làn điệu dân ca, múa xoang, cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống...

Thông qua chương trình, Ban Tổ chức muốn quảng bá đến nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế về văn hóa, con người, thiên nhiên của xứ sở đại ngàn - Kon Tum Bắc Tây Nguyên; tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, xúc tiến đầu tư của khu vực nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng trong công cuộc hội nhập và phát triển, góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời xúc tiến thu hút đầu tư trên các lĩnh vực. Đặc biệt giới thiệu về cây Sâm Ngọc Linh - Báu vật của đại ngàn trong thảm thực vật núi Ngọc Linh - Kon Tum.

Nguồn: ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN