Tìm “mối thắt” để tháo gỡ trong tiêu thụ dừa trái, bài 1

Dừa trái nguyên liệu đang tồn đọng số lượng lớn

02/11/2022 - 05:47

BDK - Toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu của hầu hết các DN đang gặp nhiều khó khăn và kéo dài đã ảnh hưởng lớn việc sản xuất, chế biến tại nhiều nhà máy, chủ yếu cầm chừng. Yêu cầu tiêu thụ hết dừa trái trong nông dân đang trở thành “áp lực” đối với một số DN tại địa phương.

Hầu hết các doanh nghiệp đều giảm sản lượng xuất khẩu do gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá dừa trái giảm sâu và kéo dài.

Hầu hết các doanh nghiệp đều giảm sản lượng xuất khẩu do gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá dừa trái giảm sâu và kéo dài.

Lượng hàng tồn kho tăng

Khoảng 177 DN sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, chiếm 28,37% tổng số DN có hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Riêng tham gia hoạt động xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa 100 DN.

Các ngành sản xuất chính như: chế biến vỏ dừa (chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ), chế biến gáo dừa (than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa), chế biến cơm dừa (sơ chế cơm dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, dầu dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa), chế biến nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp).

Theo ghi nhận chung, trong thời gian qua, các DN hết sức khó khăn. Do khủng hoảng dịch bệnh thế giới, khủng hoảng tài chính, người tiêu dùng cân nhắc mặt hàng thiết yếu như mì gói, lương khô… Đồng thời, giá thành sản phẩm lên cao do chi phí vận chuyển logistics tăng gấp nhiều lần.

Có thể kể đến những DN có trách nhiệm với người trồng dừa theo chuỗi liên kết như: BEINCO, BETRIMEX, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới… Các DN này đang “gồng mình” kéo dài để cố gắng tiêu thụ lượng dừa tồn đọng cho nông dân. Trong khi Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới tồn kho khoảng 2 ngàn tấn cơm dừa thì BEINCO, BETRIMEX cũng tương tự. Hầu hết các DN đều bị “ách” thị trường xuất khẩu. Sản phẩm tiêu thụ rất khó so với trước đó, nhưng vẫn đảm bảo thu mua dừa trong dân theo các chuỗi liên kết. Để trữ hàng tồn kho, các DN buộc phải chủ động thuê kho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Khả năng chịu đựng của từng DN này cũng đang báo động tới ngưỡng.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành (Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành), để giải phóng lượng dừa nguyên liệu về mỗi ngày, DN huy động toàn bộ lao động chạy hết công suất, tăng ca và tham gia sơ chế dừa. Chạy công suất tối đa nhưng xuất khẩu thì quá chậm nên lượng hàng tồn kho ngày một tăng. Nhưng DN đã cam kết với nông dân thì dù có khó khăn vẫn phải thực hiện đúng lời hứa.

“DN tận dụng tối đa 1,7 ngàn lao động để sơ chế dừa. Cùng với việc ứng dụng các giải pháp công nghệ như đưa dừa vào nồi hấp, sốc nhiệt, DN mới có thể sơ chế 100 ngàn trái dừa tại xưởng mỗi ngày. Hiện sản lượng dừa nguyên liệu tồn kho lớn nhất từ trước tới nay. Công ty phải tận dụng cả nhà xe, hội trường để dự trữ và còn thuê kho các nơi. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tình hình tiêu thụ sản phẩm dừa nhưng để vận hành chuỗi dừa hữu cơ, vì để giữ chữ tín với nông dân, công ty không thể dừng lại”, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành bộc bạch.

Giá giảm kéo dài

Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các DN, đến việc làm của người lao động. Công tác xúc tiến đầu tư, các công trình xây dựng cũng chậm tiến độ. Trung Quốc thực hiện “Zero Covid”, tình hình xuất khẩu các sản phẩm dừa sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Phần lớn đơn vị sản xuất kẹo dừa ngưng sản xuất.

Tại huyện Mỏ Cày Bắc, nông dân tự chở dừa trái đến và trả tiền thuê lột dừa để bán cho Doanh nghiệp Đỗ Quốc Yên.

Dừa xuất khẩu sang Trung Quốc chậm, giảm mạnh do rào cản về tiêu chuẩn chất lượng.

Hiện tại, giá xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đang giảm mạnh so với đầu năm từ 20 - 30% như cơm dừa sấy khô hiện chỉ còn khoảng 1.500 - 1.650 USD/tấn, giảm khoảng 400 - 800 USD/tấn; nước cốt dừa giảm khoảng 25% so với năm 2021...

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga, DN trong tỉnh đa số có quy mô vừa và nhỏ. Thị trường tiêu thụ một số mặt hàng chưa ổn định. Mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh của các DN chưa chặt chẽ, chưa tạo được đầu mối có quy mô lớn có vị thế cạnh tranh trên thị trường. Còn nhiều DN chế biến dừa có công nghệ chế biến ở mức trung bình và chưa chú trọng nhiều đến công tác xây dựng chứng nhận, quảng bá thương hiệu.

Hiện HĐND tỉnh đang tổ chức đoàn khảo sát, gồm có các ban thuộc HĐND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương tham gia. Ghi nhận thực tế tại một số huyện, tình hình hoạt động của các DN, cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ cũng đang gặp nhiều khó khăn do rào cản xuất khẩu. Cụ thể, tại huyện Mỏ Cày Nam, hiện có 33 công ty, DN và 623 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa, với các sản phẩm chủ yếu như: cơm dừa, gáo dừa, chỉ xơ dừa, dừa trái... Tuy nhiên, do tác động của giá nhiên liệu tăng cao, thị trường xuất khẩu bị hạn chế nên hoạt động sản xuất, tiêu thụ của các DN chậm lại. Riêng đối với các sản phẩm như: chỉ xơ dừa, thảm chỉ xơ dừa hầu như không tiêu thụ được.

Tại huyện Giồng Trôm, thời gian qua, giá bán trái dừa khô tại vườn liên tục giảm. Hiện giá dừa khô được nhiều hộ dân bán tại vườn cho thương lái chỉ còn ở mức từ  30 - 40 ngàn đồng/chục (hộ dân tự thu hoạch) và khoảng 20 - 30 ngàn đồng/chục (thương lái thu hoạch). Đối với dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và liên kết với DN được thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 5 - 10% hoặc cao hơn 5 - 15 ngàn đồng/chục.

Huyện Mỏ Cày Bắc có 38 DN, 190 cơ sở tiêu thụ dừa trái trong và ngoài huyện với sản lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu trái/năm. Thời gian qua, giá dừa trên địa bàn huyện giảm sâu, giá dừa khô trước đây dao động ở mức 6.500 đồng/trái, thậm chí có thời điểm giá chỉ còn khoảng 2 ngàn đồng/trái. Hiện đang ở mức 3 - 4 ngàn đồng/trái.

Giá dừa giảm mạnh, kéo dài và ở mức thấp nên thu nhập người dân trồng dừa bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng ngừng thu mua hoặc thu mua ít, đã làm cho dừa khô tồn đọng trong dân còn nhiều. Thực trạng ngành dừa đang đặt ra yêu cầu cần phải lần tìm từng “mối thắt” của từng loại hình DN để bàn giải pháp tháo gỡ.

Đoàn khảo sát HĐND tỉnh sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, các ngành, hợp tác xã và DN. Đặc biệt, ghi nhận các kiến nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thu mua, sơ chế và tiêu thụ dừa trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN