Đức kêu gọi cải tổ, thêm ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

28/12/2018 - 10:15

Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 12-12-2018. Nguồn: THX/TTXVN
Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 12-12-2018. Nguồn: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 27-12-2018, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần phải có thêm nhiều nước ủy viên thường trực hơn để phản ánh trật tự thế giới hiện nay, đồng thời tuyên bố Đức sẽ không "trốn tránh trách nhiệm" trong việc giải quyết xung đột toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Hãng thông tấn dpa của Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas một lần nữa nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an - Cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc, cần phải được cải tổ để có số nước ủy viên thường trực nhiều hơn so với 5 nước thành viên như hiện nay. 

Ông Heiko Maas cũng cho rằng sự cân bằng quyền lực trên thế giới cần phải được phản ánh một cách đầy đủ hơn so với thời điểm hiện nay, đồng thời nhấn mạnh Đức nên giữ một ghế ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an. 

Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, trách nhiệm toàn cầu của Đức đang ngày một gia tăng và nước này đã sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các xung đột toàn cầu. Ông khẳng định với tư cách là nước ủy viên không thực trực trong Hội đồng Bảo an, Đức đang tiến gần hơn các cuộc khủng hoảng và xung đột chính trị trên thế giới. Chính vì lẽ đó, Berlin sẽ không thể "trốn tránh" các quyết định lớn hơn nữa, đặc biệt bao gồm các cuộc xung đột ở Syria và Yemen.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện có 15 nước ủy viên, trong đó 5 nước ủy viên thường trực (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) có quyền phủ quyết và 10 nước ủy viên không thường trực (một nửa trong số này được bầu mới mỗi năm). Hôm 8-6-2018 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu 5 nước ủy viên không thường trực mới gồm Bỉ, Đức, Indonesia, Cộng hòa Dominicana và Nam Phi. Theo kế hoạch vào ngày 1-1-2019, Đức sẽ bắt đầu nhiệm kỳ kéo dài hai năm của mình trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN