Đừng để hạnh phúc gia đình bị đánh mất

17/10/2011 - 07:28

Năm 2000, anh T quen với chị M và hai người yêu nhau. Biết chuyện, bà N (mẹ anh T) cố tình ngăn cản mối tình này. Bà cho rằng, nhà của M nghèo, không xứng với gia đình bà. Dù bị mẹ cản trở nhưng T và M vẫn thường qua lại với nhau. Cuối cùng, bà N đành phải chiều theo ý con trai, tổ chức lễ cưới cho họ. Đồng thời, bà N còn chuyển quyền sử dụng hơn 2.000m2 đất cho con trai và cho vợ chồng họ ở riêng. 

Khoảng giữa năm 2006, vợ chồng anh T có được một cháu gái, đặt tên là G. Căn nhà nhỏ của họ càng ấm áp hơn khi G biết đi chập chững, miệng bi bô gọi ba mẹ. Dù chị M không “mặn mà” với mẹ chồng (do trước đây bà ngăn cản hôn nhân của chị) nhưng vợ chồng chị vẫn thường xuyên bế con về thăm bà N. Cuối năm 2008, bất hạnh đã đến với gia đình này vì anh T bị bệnh chết đột ngột. Sau đó, vốn tính đa nghi và nghe theo lời bày vẽ của người khác, bà N sợ sau này chị M tái giá và bà sẽ bị mất của nên bà buộc chị M phải giao lại toàn bộ giấy tờ đất (chồng chị đứng tên) cho bà. Chẳng những thế, bà còn buộc chị M phải giao giấy tờ nhà mà chị đang ở (kinh doanh buôn bán), trong đó có phần công sức của vợ chồng chị đã bỏ ra xây cất, gầy dựng. Đổi lại, mỗi tháng bà N sẽ trợ cấp cho mẹ con chị M một số tiền để sinh sống. Chị M không đồng ý, tình cảm giữa họ ngày càng xấu hơn. Một ngày nọ, chị M chở cháu G về thăm bà, khi rước cháu về nhà thì nghe được G kể lại những lời không hay từ mẹ chồng. Buồn lòng, chị M không đưa cháu về thăm bà nữa. Mỗi khi nhớ cháu nội, bà N phải đứng đợi trước cổng trường mẫu giáo để được gặp mặt cháu vào những giờ ra chơi. Phần chị M, vì sợ bà N bắt mất con mình nên phải nhờ người khác trông chừng và còn căn dặn cô giáo không cho bà tiếp xúc với cháu…

Thiết nghĩ, tranh chấp giữa bà N và chị M (nếu có) sẽ được tòa án giải quyết bằng bản án phân minh, chớ để hạnh phúc bị đánh mất và hãy đừng làm trẻ con bị tổn thương.

H.Đ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích