Sản phẩm dừa xuất khẩu của Công ty Betrimex.
Tốc độ tăng trưởng tốt
Trước thách thức, khó khăn chung về thị trường xuất khẩu năm 2019, các DN trong tỉnh đã nỗ lực phát triển thêm 12 thị trường mới. Những sản phẩm chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt. Xuất khẩu sản phẩm từ dừa đạt 280 triệu USD, vượt kế hoạch dự kiến ban đầu, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Thủy sản đạt 110 triệu USD, tăng 14,5%. Hàng dệt may, da giày tăng 52,19%.
Kim ngạch xuất khẩu của các DN trong nước có sự chuyển biến, nâng cao năng lực cạnh tranh, với mức tăng 8,22%. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Điểm sáng là DN trong nước đang có sự chuyển dịch ngày càng tốt hơn. Phần lớn, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ: hàng dệt may, da giày, nước dừa đóng lon tăng 35,7%; cơm dừa nạo sấy tăng 21,9%, nước cốt dừa tăng 21,22%, than hoạt tính tăng 11,98%, điện tử và linh kiện điện 14,34%, túi xách tăng 14,22%...”, Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình cho biết.
Thị trường xuất khẩu duy trì ổn định và mở rộng. Một số thị trường tăng trưởng khá, như: Thái Lan tăng trên 16%, Nhật Bản tăng trên 11,6%, Hàn Quốc tăng 14,6%, Trung Quốc vẫn duy trì tăng 10,24%, Pháp tăng 11,87%, Mỹ tăng 26,12%. Các thị trường truyền thống, trọng điểm vẫn duy trì sức tiêu thụ. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch tốt. Hàng chế biến giá trị gia tăng ngày càng cao, như: nước dừa đóng lon, nước cốt dừa, thủy hải sản.
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản
Trong năm 2020, mục tiêu đặt ra là duy trì kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,4 tỷ USD, riêng xuất khẩu ngành dừa phải đạt 320 triệu USD.
Theo nhận định của DN, dự báo nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm dừa trên thế giới ngày càng nhiều tại các thị trường: Mỹ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Australia, Nga, Nhật Bản… Đây là cơ hội lớn để các DN khai thác, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu. Do vậy, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục nghiên cứu tổ chức, giới thiệu cho các DN tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm tại các thị trường xuất khẩu có tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dừa.
Bà Phạm Thị Vân - người tạo lập thương hiệu Dừa Cười (mẫu dừa khoen nắp) cho biết: Hiện hầu hết DN xuất khẩu nông sản đều gặp khó. Nếu năm 2018, mỗi ngày các DN Bến Tre xuất khẩu ít nhất 10 container dừa tươi ra ngoài tỉnh thì năm 2019, do Trung Quốc đóng cửa đường biên giới, sản phẩm dừa chưa vào được theo đường chính ngạch, nên sản lượng xuất khẩu năm 2019 đối với dừa tươi sụt giảm rất nhiều. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc đến vùng nguyên liệu trong khi dừa tươi Bến Tre chưa làm được.
“Bến Tre có 2 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý là bưởi da xanh và dừa xiêm xanh. Cùng với hai sản phẩm trên, các sở, ngành, địa phương cần hỗ trợ DN về thực hiện truy xuất vùng trồng cho các sản phẩm nông sản khác để sớm xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch.
Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục giới thiệu, hỗ trợ các DN của địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành nông sản, trái cây tại các thị trường: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… tạo điều kiện để các DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận cơ hội giao thương, mở rộng thị trường.
Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Huỳnh Thị Cẩm Châu cho biết: DN muốn tìm kiếm thị trường thì phải tham gia các hội chợ. Để có thể xuất khẩu cũng như tham gia hội chợ có hiệu quả, DN cần đủ điều kiện để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, trang bị đủ điều kiện về các tiêu chuẩn, chứng nhận.
“Sở Công Thương và Sở Khoa học và Công nghệ cần tích cực thông tin, tập huấn các kiến thức cơ bản, hỗ trợ DN trang bị điều kiện nhập khẩu của từng thị trường để DN nắm và từng bước trang bị thay vì để họ tự bơi như trước đây”, bà Huỳnh Thị Cẩm Châu nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, trái cây, rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật và phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho hải quan. Trung Quốc chỉ chấp nhận 9 loại quả của Việt Nam qua đường chính ngạch và đã dừng nhập khẩu rau quả của Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Mặt khác, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm cho nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc có sụt giảm, tuy vậy tiềm năng vẫn còn rất lớn.
Thông tin từ Bộ Công Thương, bên cạnh trái cây qua chế biến, nhu cầu thị trường trái cây tươi sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài các quốc gia thuộc EU, Đông Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ… đặc biệt, thị trường Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu trái cây tươi ngày càng nhiều.
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc