Duy trì và phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ

09/09/2024 - 21:02

BDK.VN - Ngày 9-9-2024, Đoàn giám sát của Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh làm việc với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh. Buổi giám sát làm rõ hơn việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa tỉnh.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức báo cáo thực trạng ngành dừa. 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tổng diện tích dừa toàn tỉnh đến tháng 6-2024 là 79.085ha. Tổng sản lượng dừa toàn tỉnh tăng nhẹ qua các năm, đến năm 2023: 700.302 tấn. Bến Tre là nơi tập trung đa dạng sinh học các giống dừa. Trong đó, các giống dừa cao như: dừa Ta, dừa Dâu chiếm gần 80% cơ cấu giống dừa, năng suất từ 70 - 90 trái/cây/năm, cơm dừa dầy và hàm lượng dầu cao phù hợp cho công nghiệp chế biến. Các giống dừa lùn như: Xiêm xanh (80%), Xiêm đỏ (10%),… năng suất bình quân đạt từ 100 - 120 trái/cây/năm, có chất lượng nước ngọt được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Toàn tỉnh có khoảng 169/635 doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau. Thời gian qua, Sở Công Thương đã tập trung hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ cho chế biến sản phẩm dừa thông qua hoạt động khuyến công và thực hiện hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định cho dừa và các sản phẩm từ dừa.  Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa năm năm 2024 ước đạt 386,549 triệu USD. Giai đoạn 2021 - 2024 tăng trưởng bình quân 1,68%/năm. 

Tuy nhiên, ngành NN&PTNT nhìn nhận còn những tồn tại hạn chế. Tại buổi giám sát, đại biểu quan tâm việc đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nghiên cứu sản phẩm mới, để sản phẩm từ dừa đi vào dược phẩm, mỹ phẩm đem lại giá trị gia tăng cho ngành dừa. Khống chế các dịch bệnh trên cây dừa, trong đó, có sâu đầu đen hại dừa theo hướng sinh học. Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn rõ cho DN và nông dân về mã vùng trồng. Chính sách khuyến công tạo điều kiện cho DN thay đổi công nghệ lạc hậu...

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới phát biểu kết luận buổi làm việc. 

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới cho rằng, thời gian qua, các sở, ngành tỉnh đã tham mưu cũng như triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa tỉnh. Khẳng định, nông nghiệp đóng vai trò nền tảng quan trọng.

Từ năm 2020 đến nay, cây dừa được xác định là cây chủ lực của tỉnh. Diện tích và năng suất dừa tăng qua từng năm. Công tác phòng, chống xâm nhập mặn triển khai thực hiện tốt, người dân quan tâm chăm sóc vườn dừa. Sản phẩm dừa đa dạng. Ngành dừa đã góp phần giải quyết lao động, góp phần chuyển dịch lao động và thu nhập cho người dân nông thôn. Xây dựng vườn dừa sản xuất hàng hoá có tăng qua từng năm. Vườn dừa chứng nhận hữu cơ đánh dấu quan trọng trong đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường khó tính. Theo ông Nguyễn Văn Quới, giám sát nhằm nhận diện mặt được, chưa được để có tiếng nói chung trong thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có cây dừa. 

Hướng tới, cần tiếp tục khai thác lợi thế, tiềm năng của cây dừa. Quan tâm loại trừ các đối tượng gây hại cây dừa. Tiếp tục khuyến khích người dân chăm sóc vườn dừa theo hướng hữu cơ để đáp ứng yêu cầu, rào cản kỹ thuật thị trường tiêu thụ đặt ra. Tổ chức sản xuất phải đáp ứng yêu cầu thị trường. Cần có dự án liên kết xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung để có nguồn kinh phí lớn. Quan tâm giải quyết vấn đề DN thu mua dừa hữu cơ chưa hết, hợp đồng tính pháp lý chưa cao. Hỗ trợ các hợp tác xã, người dân tiếp cận đầy đủ các chính sách đã ban hành. Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong tạo giá trị tăng thêm cho dừa. Hợp tác xã cần có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi….

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN