|
Bé Thúy Vy đang theo học lớp “vỡ lòng” đờn ca tài tử tại nhà riêng nghệ nhân Minh Lời. Ảnh: A. Nguyệt |
60 tuổi đời, gần 50 năm “sống với những tiếng đờn” của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), nghệ nhân Minh Lời không chỉ là một trong những “bậc thầy” lĩnh vực ĐCTT của tỉnh có sự am hiểu và trình diễn điêu luyện các “ngón đờn” mà còn đào tạo nhiều thế hệ học trò cho tỉnh nhà. Minh Lời là hội viên Hội Sân khấu Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu. Ông vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Nghệ thuật ĐCTT là một trong những loại hình âm nhạc dân
gian có nguồn gốc lâu đời, mang nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhiều tầng
lớp nhân dân miền sông nước Nam Bộ. Tỉnh có hàng trăm câu lạc bộ ĐCTT đang được
duy trì sinh hoạt thường xuyên, từ đó, xuất hiện rất nhiều tài tử đờn, tài tử
ca ở mọi lứa tuổi, tầng lớp. Nghệ nhân Minh Lời là một trong những người có
thâm niên gắn bó và có nhiều cống hiến cho hoạt động nghệ thuật ĐCTT tại địa
phương.
Như một lẽ sống
Nghệ nhân - soạn giả
Minh Lời là “con nhà nòi” của một gia đình có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp
nghệ thuật ĐCTT và nhạc lễ ở tỉnh và khu vực. Cha của ông là cụ Nguyễn Văn Biểu
(nghệ danh Ba Móng) là một trong những nghệ sĩ - nhạc sĩ nổi tiếng ở Bến Tre
trước đây. Cụ sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ của tài tử và nhạc lễ; là một
trong hai nghệ nhân đầu tiên của tỉnh vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt
Nam xét truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam”.
Là con nhà nòi, hẳn nhiều
người sẽ nghĩ ông “thuận buồm” được ươm mầm vun bồi từ nhỏ. Nhưng có một điều
thú vị là lúc đầu, thân sinh của ông đã không có ý chọn ông, mà định hướng cho
người anh của ông (nhạc sĩ Minh Nhường) theo nghề. Thế nhưng cái duyên, cái
nghiệp và lòng đam mê vô tận đối với những cung bậc trầm bổng của tiếng đàn
kìm, đàn bầu, đàn tranh… hòa nhịp cùng những làn điệu Bắc, Hạ, Xuân, Ai, Oán…
đã “thấm” vào tim ông, đời ông cứ mãi đi theo con đường nghệ thuật ĐCTT như một
lẽ tự nhiên. Cũng vì thấy ông quá mê đờn, thân sinh của ông cũng đã thương yêu,
tận tình chỉ dạy các ngón nghề.
Trong quá trình theo
nghiệp ĐCTT, ông đã từng tham gia phục vụ hoạt động ở Đoàn Văn công giải phóng
tỉnh, đến khi Đoàn Văn công tách thành hai đoàn: Đoàn Cải lương Bến Tre và Đoàn
Ca múa (1978), ông được chuyển về Đoàn Ca múa, sau đó được chuyển công tác tại
Đoàn Cải lương. Từ năm 1993-1997, ông được đưa đi học Đại học Văn hóa quần
chúng, sau đó công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Năm 2002, ông được phân công
về Nhà Văn hóa người cao tuổi.
Nghệ nhân Minh Lời sử dụng
thành thạo nhiều loại đờn: ghi-ta phím lõm, tranh, bầu, sến, kìm, cò, violon.
Ông đã góp mặt tại rất nhiều sự kiện văn hóa của tỉnh và là thành viên của đoàn
Bến Tre tham dự nhiều cuộc liên hoan, cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc. Những ai
có dịp thưởng thức và lắng lòng trước phần trình diễn của ông, nhất là những
bài độc tấu nhạc cụ, hẳn sẽ cảm nhận được “cái thần” trong tiếng đờn và cả sắc
thái của ông, bởi khi chạm tay vào những dây đờn, ông gần như gửi cả tâm hồn
mình vào đó, bay bổng, “xuất thần”. Những tiếng đờn đầy “ma mị” và ngập tràn cảm
xúc đã đưa người nghe đến trạng thái êm đềm, nhẹ nhàng và thanh thoát, tìm thấy
cảm giác bình yên với những điều tươi đẹp.
Trọn đời cống
hiến
Nghệ nhân Minh Lời chia
sẻ: “Tôi đi nhiều nơi, được tiếp cận nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, tôi đã tự học hỏi,
trau dồi thêm rất nhiều điều trong lĩnh vực ĐCTT. Tôi đặc biệt quan tâm về mảng
nghệ thuật dân tộc và đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về điều này, nghiên cứu,
ôn luyện nhiều hơn các ngón đờn từ các loại nhạc cụ, đồng thời cũng bắt đầu viết
sách, nội dung về âm nhạc dân tộc. Mục đích của tôi là muốn giới thiệu, quảng
bá nghệ thuật ĐCTT và giúp giới tài tử có thêm tư liệu nghiên cứu, luyện tập”.
Ông đã đào tạo nhiều thế
hệ học trò, trong số đó có hai người cháu ruột là nhạc sĩ Minh Đậm (công tác tại
Đoàn Cải lương Bến Tre), nhạc sĩ Minh Đuột (công tác tại Đoàn Cải lương Long
An). Học trò của ông tham gia đờn cho rất nhiều hoạt động văn hóa cấp huyện, cấp
tỉnh, hoặc tham gia đờn phục vụ cho các tụ điểm du lịch… Ông có lớp học trò “nhỏ
xíu” như bé Đoàn Thúy Vy (hiện là học sinh lớp 3, ở xã An Thủy, huyện Ba Tri);
bé được mẹ - chị Thanh Diệu đưa từ huyện biển xa xôi đến tận nhà thầy Minh Lời
để xin học cho bằng được. Chị Diệu bộc bạch: “Tôi cũng thường tham gia sinh hoạt
tại câu lạc bộ ĐCTT của xã. Tôi muốn cháu Vy sẽ được rèn giũa năng khiếu từ nhỏ
để cháu được phát huy tốt hơn khả năng ca và đờn”. Nghệ nhân Minh Lời chia sẻ,
đối với các cháu nhỏ, ông sẽ cho tiếp cận từ từ, phù hợp theo khả năng và lứa
tuổi như dạy phát âm, dạy nhịp…
Ông Nguyễn Quang Trị -
Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
nhận định: “Qua rèn luyện, thử thách trong môi trường văn hóa, văn nghệ tỉnh
nhà, Minh Lời chứng tỏ là người “cứng cáp”, đứng vững và phát huy không ngừng
giá trị di sản văn hóa của nghệ thuật ĐCTT. Anh đã có những tác phẩm biên soạn
như: “Bài bản tài tử và lời ca mới”, “Bài bản cải lương và tài tử Nam Bộ”… Anh
đã trực tiếp truyền dạy trên 100 học trò đờn và ca tài tử. Minh Lời rất xứng
đáng được vinh danh danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Hy vọng trong thời gian tới, anh
tiếp tục đầu tư thêm chiều sâu để có những cống hiến xứng tầm trên lĩnh vực đào
tạo, sáng tác và nâng cao giá trị thẩm mỹ nghệ thuật”.
Hiện nay, dù đã hưu trí
nhưng lịch làm việc của ông lúc nào cũng kín như: làm khách mời chấm thi các cuộc
thi ĐCTT của các huyện, của tỉnh; dạy học trò; hỗ trợ Đoàn Cải lương Bến Tre tại
một số hoạt động; tham gia một số sự kiện văn hóa trong tỉnh… Nghệ nhân Minh Lời
chia sẻ thêm, hiện ông vẫn dành thời gian tiếp tục nghiên cứu viết bài bản tài
tử lời mới, nội dung cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào cách mạng
của các địa phương, mảng lịch sử…
“Sống với nghệ thuật ĐCTT nói
riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung sẽ góp phần nuôi dưỡng cho tâm hồn
mình thêm yêu quê hương, đất nước, cuộc sống thêm niềm tin, lạc quan và tươi
trẻ hơn. Mình gửi gắm tâm tình của mình qua tiếng đờn và chính tiếng đờn cũng
đã nuôi dưỡng tâm hồn mình hướng đến những điều tốt đẹp”
(Nghệ nhân Minh Lời) |