Em bé tìm cha

05/03/2010 - 09:34
Ảnh minh họa.

Vào một ngày tháng tư cách nay 3 - 4 năm, nhân kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30 - 4, chúng tôi có dịp lên thăm lại Nghĩa trang Trường Sơn, thăm lại đồng đội cũ của mình đã an nghỉ ngàn thu tại đây. Đường đi lúc đó không thuận lợi như bây giờ, mặt đường lô nhô đá lớn, đá nhỏ… Và kia, xa xa trên những quả đồi, dưới hàng dương xanh rì, nghĩa trang Trường Sơn ẩn mình trong đó. Gió vi vu thổi một điệu nhạc muôn thuở như bài ca, như lời ru của nước non dỗ giấc ngủ ngàn thu cho các liệt sĩ. Gió thổi, mây bay, chim hót tạo thành một điệu nhạc của thiên nhiên bi tráng, như lời ru, như tiếng hát hào hùng ngợi ca sự bất tử. 

Lại những chuyến ngược về miền Trung đi tìm đồng đội! Và rồi lại những lần thất vọng. Hơn 10.000 ngôi mộ trắng tít tắp phủ kín những ngọn đồi. Với chúng tôi, nơi đây không phải là thế giới của người đã khuất, mà là thế giới của một phần sự sống của mình…
Tôi và người đồng đội cao niên quê miền Đông Nam bộ bước những bước chân nặng trĩu về phía chiếc xe ô tô nhỏ mới thuê để thực hiện cuộc hành trình đi tìm đồng đội. Đi được mấy bước, bỗng bạn tôi dừng lại rồi như muốn quỵ xuống. Tôi dìu người đồng đội vào trong nhà nghỉ. Những người lính trẻ bồng súng trang nghiêm như những pho tượng. Trong góc phòng khách, hệ thống máy vi tính tất cả đều mở trang truy tìm đồng đội, vì những người đến đây ngoài việc đi viếng nghĩa trang, đều mong muốn có cơ hội tìm lại được người thân hay đồng đội đã hy sinh trong kháng chiến. Tôi không nhớ rõ hành trình đi tìm đồng đội kéo dài mấy ngày, nhưng tôi luôn nhớ rất rõ những gương mặt đượm buồn của những người phụ nữ chít khăn tang đi tìm chồng là liệt sĩ. Tim tôi như muốn thắt lại khi chứng kiến cảnh những người đàn ông khóc, trong đó có người đồng đội của tôi.
Hàng ngàn ngôi mộ được quét vôi màu trắng lô nhô, nhuốm một màu vàng chiều nơi sơn cước. Những nhóm người lẻ tẻ lầm lũi len giữa những hàng mộ chí. Ở đây, người ta không quản lý người vào viếng nghĩa trang. Có người ở cả tuần trong nghĩa trang để tìm người thân. Bạn của tôi vượt hàng trăm cây số đến nghĩa trang Trường Sơn tìm đồng đội. Một ngày… Hai ngày… Tên người đồng đội của chúng tôi sao mãi không xuất hiện trên những tấm bia trắng phau, mong manh. Chúng tôi thất vọng trở lại phòng quản trang thắp những cây hương lớn đặt trang trọng giữa sân phía trước của nghĩa trang. Trong phòng quản trang, người ta đã đặt sẵn những giá đỡ, kệ sách để người đến nghĩa trang gửi đồ dùng cá nhân khi vào viếng và lấy lại những đồ vật đó khi ra về. Có một sự kiện ngẫu nhiên xảy ra một cách vô thường mà tôi đã giấu kín bấy lâu, nhưng đến nay không thể không kể. Chuyện người bạn tôi trước khi ra về, tháo nón tai bèo - loại nón các chiến sĩ thường đội trong những năm tháng kháng chiến xưa, trả lại phòng quản trang. Nhưng chỉ ít phút sau, khi quay lại nơi ấy, chiếc nón tai bèo mà bạn tôi đã đội trước đó không còn nữa. Chiều muộn, phòng khách của nghĩa trang vắng lặng, chỉ có những bóng nắng loang loáng trước thềm, gió vi vu thổi lay nhẹ những hàng dương.
* * *
Trên đường về, chiếc xe ô tô chậm rãi trôi trên những con đường dốc xuống miền đồng bằng phía Đông. Không ai còn tâm trí ngắm cảnh. Bỗng mọi người nhìn thấy một bé trai độ 3 - 4 tuổi đội chiếc nón tai bèo - giống như chiếc nón đã mất ở phòng quản trang và miệng mấp máy cất lên tiếng nói: Cha ơi! Em bé như một ảo ảnh lướt qua rất nhanh trước mắt chúng tôi, nhưng lại ám ảnh mãi trong tâm hồn mỗi người. 
Bạn tôi như bị thôi miên trước hình ảnh dường như vô lý: em bé 3 - 4 tuổi đội chiếc nón tai bèo miệng gào to: “Cha ơi!”. Người bạn cao niên của tôi lặng người khi có dự cảm về một điều thiêng liêng chưa bao giờ nhận ra rõ ràng- tình phụ tử.
Xe đã rời nghĩa trang cả chục km đường. Bỗng người bạn của tôi quyết định quay xe lại. Nơi em bé 3 - 4 tuổi đội chiếc nón tai bèo khi trước giờ là một thanh niên 17-18 tuổi, đứng nghiêm và giơ tay chào theo quân lệnh, trên đầu vẫn đội chiếc nón tai bèo và miệng vẫn gọi: Cha ơi!
Những điều tôi cảm nhận và dường như chứng kiến ở trên sự thật chỉ là ảo giác. Bạn tôi nhắm nghiền đôi mắt, lặng người. Còn tôi, trong lòng đầy mâu thuẫn, vừa mong muốn trở về thành phố, vừa muốn tâm thức quay về với quá khứ những mong tìm được sự cân bằng trong tâm hồn.
Bạn tôi trở về ngôi nhà thân yêu trong một con phố nhỏ yên tĩnh giữa thành phố. Thế rồi, có một thời gian, bạn tôi nhập viện. Nhìn vẻ mặt thất thần của bạn và sự thật một trang đời của bạn trong quá khứ, lòng tôi bứt rứt, chỉ biết trải tâm sự của mình trên trang viết.
* * *
Ngược thời gian mấy chục năm về trước, Tây Trường Sơn ngày ấy mưa rơi rả rích. Con đường hành quân ẩm thấp, có lúc lên dốc trơn trượt. Đêm, dừng chân mắc võng, nghe tiếng sét ì ầm từ xa, pháo sáng của quân thù lửng lơ giữa trời như ma quỷ lúc ẩn lúc hiện. Người bạn tôi trong hàng quân, lâu lâu ngoái lại như kiếm tìm hình bóng người thân. Cách đó một ngọn núi phía Đông Trường Sơn người vợ của bạn tôi- một nữ du kích cõng trên lưng một bé trai khoảng 3 - 4 tuổi. Em bé mệt lả đè nặng trĩu trên vai người mẹ. Mưa lạnh cứ rơi, đường hành quân vươn dài phía trước. Giữa không khí chiến tranh, bên bìa rừng cách đường hành quân khoảng 10m, người mẹ nức nở ngất lịm khi đứa con trai bị bệnh hiểm nghèo không qua nổi. Những người nữ du kích đã làm hết cách nhưng không cứu được trái tim bé bỏng. Đội y tá tiền phương vùi thi hài bé bỏng trong một tấm vải dù nơi ven rừng và dùng cáng để tải người nữ du kích tiếp tục hành quân. Những cán bộ của trung đội quân y chỉ kịp trồng trên nấm mồ bé bỏng của bé trai một nhánh cây làm dấu, trên đầu cây có treo một nhánh lan rừng. Người mẹ khổ đau đó được các trạm đưa về hậu cứ để chăm sóc, đâu biết rằng chồng mình vẫn trên đường hành quân bên phía Tây Trường Sơn - nơi ấy, những cơn mưa vẫn xối xả, những con đường dốc đứng khúc khuỷu nhưng không ngăn cản được bước chân của bạn tôi.
Chiều Tây Trường Sơn nắng muộn, tôi lại chứng kiến giọt nước mắt của bạn tôi và ánh nhìn đăm đăm về phía Đông Trường Sơn. Chắc chắn trong tâm khảm của anh luôn vang lên hai tiếng: Con ơi!
* * *
Có người đã triết lý “Một đời người, một rừng cây, sống gần nhau thân mới thẳng, có một cây là có rừng. Và rừng sẽ lên xanh từ mảnh đất khô cằn”…
Đường Trường Sơn có dốc cha, dốc con, có sự tích những huyền thoại kháng chiến “Lớp cha trước, lớp con sau, đã là đồng chí chung câu quân hành”. Cho đến thế kỷ 21, những đoàn người qua đây đều cảm thấy như nặng bước chân  trên cung đường Trường Sơn này. Biết bao đoàn khách du lịch, nhất là những thanh niên trẻ hét vang vào vách núi và tiếng vọng lại luôn ngân nga nhiều lần tha thiết: Cha ơi, Cha ơi!... Đến tận bây giờ, những con đường chạy dọc dãy Trường Sơn, người ta vẫn thỉnh thoảng nghe vang lên đâu đó tiếng gọi tha thiết, day dứt: Cha ơi!
Con đường Trường Sơn huyền thoại đã được xây dựng mới, hiện đại hóa. Mỗi lần trở lại Trường Sơn, dường như tôi luôn bị ảo giác bởi hình ảnh các em bé trai, bé gái 3 - 4 tuổi đội nón tai bèo đứng vẫy tay bên đường. Trang sử oai hùng của một thời tranh đấu đã được tạc vào vách núi, nhưng có những nỗi đau mất mát không thể kết tinh thành tượng đài. Đó là những sinh linh bé bỏng, kết tinh của những tình yêu lứa đôi trên đường ra trận. Nhưng qui luật nghiệt ngã của chiến tranh đã hủy diệt những mầm sống nhỏ nhoi đó. Xin đừng quên tiếng gọi của em bé tìm cha. Dù câu chuyện xảy ra đã xa nhưng hồi ức giúp người đang sống trân trọng hiện tại. Bởi thế, con người Việt Nam đã đúc kết qua thời gian, lẽ sống: nén chịu đau thương, hy sinh quyền lợi riêng vì quyền lợi thiêng liêng của Tổ quốc, cộng đồng. Và mỗi lần du khách qua nghĩa trang Trường Sơn đều dừng lại để thắp nén hương tưởng niệm những người đã khuất, để sống xứng đáng với cha anh thuở trước.

 

Huỳnh Phương Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN