EMA bắt đầu đánh giá vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech

21/12/2020 - 16:44

Trong ngày 21-12-2020, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tiến hành đánh giá vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển, trước khi bắt đầu triển khai tiêm phòng trên toàn châu Âu trong vòng một tuần tới.

Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 do Công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 do Công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu được EMA cấp phép, vaccine này còn cần được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua, dự kiến vào ngày 23-12 tới. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã ấn định thời điểm bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn châu Âu ngay sau lễ Giáng sinh, trong khoảng từ ngày 27 – 29-12-2020.

Theo đó, các sinh viên y khoa, bác sĩ về hưu, dược sĩ và binh sĩ sẽ được huy động tham gia vào chương trình tiêm chủng quy mô chưa từng có này. Chương trình sẽ được thực hiện theo giai đoạn, trong đó các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão là nhóm đối tượng được ưu tiên đầu tiên. Dự kiến nhanh nhất cũng phải đến cuối quý I-2021, chương trình này mới được triển khai rộng khắp đến cộng động.

Hiện dư luận gây sức ép để EU phê chuẩn việc lưu hành vaccine phòng COVID-19, để bắt kịp Mỹ và Anh - vốn đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho người dân, sử dụng loại vaccine của hai hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech. Chủ tịch von der Leyen ngày 16-12 cho biết 27 nước thành viên EU có kế hoạch bắt đầu chương trình tiêm vaccine trong cùng một ngày để biểu thị tình đoàn kết nhằm vượt qua đại dịch. EC đã ký các hợp đồng với 7 nhà cung cấp vaccine tiềm năng nhằm đảm bảo tất cả công dân trưởng thành EU đều có thể được tiêm phòng. Mục tiêu của EU là khoảng 70% trong tổng số 450 triệu người dân của khối được tiêm vaccine phòng COVID-19. Hôm 19-12, Cơ quan quản lý Dược phẩm Swissmedic của Thụy Sĩ cho biết sau quá trình xem xét kỹ lưỡng kéo dài hai tháng, giới chức nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech bào chế.

* Văn phòng Tổng thống Israel ngày 20-12 thông báo Tổng thống Reuven Rivlin đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ngay trong ngày đầu tiên chương trình tiêm chủng chính thức được triển khai tại Israel. Trước đó một ngày, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã trở thành người đầu tiên tại Israel được tiêm vaccine phòng COVID-19. Một ngày sau khi tiêm, ông Netanyahu cho biết sức khỏe của ông vẫn tốt, đồng thời kêu gọi người dân Israel đi tiêm phòng. 

Israel đã ký hợp đồng mua 8 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, đồng thời đặt mua thêm vaccine của một số hãng dược phẩm khác. Trong giai đoạn một của đợt tiêm phòng, các đối tượng được ưu tiên bao gồm nhân viên y tế, sinh viên y khoa, nhân viên đang làm việc tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Giai đoạn 2 sẽ dành cho người trên 60 tuổi và các nhóm dễ bị mắc bệnh.

Cùng ngày, Bộ Y tế Qatar đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccive ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Theo hãng thông tấn quốc gia Qatar (QNA), nước này sẽ nhận được chuyến hàng vaccine của Pfizer/BioNTech trong ngày 21-12.

* Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình CBC hôm 20-12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết sẵn sàng tiêm vaccine ngừa COVID-19 công khai một khi tới lượt nhóm tuổi của ông được tiêm chủng. Ông khẳng định sẽ tuân theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế công cộng. 

Đề cập đến việc vợ của ông, bà Sophie Gregoire Trudeau, từng mắc COVID-19 hồi tháng 3 và ông đã phải tự cách ly 2 tuần vào thời điểm đó, Thủ tướng Trudeau cho biết ông có thể đã từng mắc căn bệnh này ở thể rất nhẹ và hoàn toàn không có triệu chứng nhiễm bệnh. 

Từ ngày 14-12, dựa trên nguồn cung giới hạn của vaccine Pfizer/BioNTech, Canada đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, trong đó có các nhân viên y tế tuyến đầu và người dân cũng như nhân viên y tế ở lâu dài trong các cơ sở chăm sóc y tế. Canada hy vọng sẽ sớm nhận được số vaccine bổ sung từ các nhà cung cấp Pfizer và Moderna một khi các quan chức y tế cấp phép. Mặc dù dân số vào khoảng 38 triệu người, song Canada đã đặt hàng mua hơn 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ 7 hãng dược phẩm. Thủ tướng Trudea cho biết sẽ chia sẻ số vaccine dôi dư cho các nước khác.

* Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thống Chile Sebastian Pinera ngày 20-12 cho biết nước này có khả năng sẽ bắt đầu tiêm những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Pfizer/BioNTech cho các nhân viên y tế trong tuần tới. Theo đó, đội ngũ y tế ở tuyến đầu, những nhân viên làm việc trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt để điều trị cho những bệnh nhân nguy kịch là đối tượng ưu tiên trước, tiếp theo là các nhóm thực thi nhiệm vụ cấp cứu, người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính... Tổng thống Pinera cho hay Chính phủ Chile sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 15 triệu người trong dân số 128 triệu người trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trước đó, cơ quan quản lý y tế Chile ngày 16-12 thông báo đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech sau khi hãng này khẳng định sẽ gửi 20.000 liều đầu tiên tới quốc gia Nam Mỹ này trong tháng 12. Tới nay, Chile đã ghi nhận 585.545 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 16.154 ca tử vong.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN