Vaccine phòng COVID-19 được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Rockville, Maryland, Mỹ, ngày 20-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, tại hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế EU về các biện pháp chống lại sự lây lan dịch, các bộ trưởng đã ủng hộ kế hoạch của EC sử dụng quỹ khẩn cấp hiện là 2,4 tỷ euro để đặt mua trước các loại vaccine tiềm năng. Theo Ủy viên EC về y tế và an toàn thực phẩm, Stella Kyriakides, EU sẽ sử dụng phần lớn số tiền trong quỹ để mua trước 6 loại vaccine cho 450 triệu công dân trong liên minh.
Một chiến lược vaccine lớn như vậy có thể tiêu tốn nhiều hơn nhiều thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD mà Mỹ đã ký tháng trước để đảm bảo có 300 liều của một loại vaccine duy nhất do tập đoàn dược phẩm Anh AstraZenceca sản xuất. Khi được hỏi liệu các nước EU có bổ sung quỹ hay không, bà Kyriakides cho biết tại thời điểm này, chưa cần thêm các cam kết tài chính.
EU lên kế hoạch một chiến lược tiêm vaccine phòng bệnh cho những người dễ bị tổn thương nhất, giúp giảm số liều cần khẩn cấp và thanh toán tiền trước. Theo kế hoạch trên, EU sẽ mua hoặc cam kết mua các loại vaccine tiềm năng trước khi nó được bào chế, bất chấp khả năng thất bại trong thử nghiệm lâm sàng. Đổi lại, EU sẽ được quyền tiếp cận ưu tiên với những lô vaccine đầu tiên.
Liên minh đã chấp nhận các nguy cơ phát sinh để không bị bỏ lại sau Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chạy đua tìm vaccine. Bà Kyriakides cho biết EC đã thảo luận các kế hoạch của mình với các công ty dược phẩm, song không nêu rõ tên các công ty này cũng như thời điểm đạt thỏa thuận đặt mua trước. Tuy nhiên, giới chức EU cho biết khối sẽ không mua các vaccine được sản xuất tại Mỹ, do lo ngại nguy cơ trì hoãn việc cung cấp cho châu Âu.
Hiện có hơn 10 loại vaccine phòng COVID-19 đang được thử nghiệm trên thế giới, trong đó có AstraZeneca của Anh, Sanofi của Pháp, và các công ty của Mỹ như Pfizer, Novavax, Johnson & Johnson và Moderna.
Nguồn: TTXVN