EU phản ứng về việc Iran tiếp tục cắt giảm cam kết đối với JCPOA

06/01/2020 - 21:47

Ngày 6-1-2020, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định mới nhất của Iran giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký giữa với các cường quốc năm 2015.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trên mạng xã hội Twitter, quan chức ngoại giao hàng đầu của EU bày tỏ "lấy làm tiếc sâu sắc" về thông báo mới nhất của Iran liên quan đến thỏa thuận hạt nhân ký với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Ông Borrell nhấn mạnh việc tất cả các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân hiện quan trọng hơn bao giờ hết vì sự ổn định khu vực và an ninh toàn cầu. Ông tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc với tất cả bên liên quan nhằm thúc đẩy điều này. 

Cùng ngày, một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết Chính phủ Anh vô cùng lo ngại việc Iran tuyên bố sẽ từ bỏ các hạn chế về làm giàu urani và Anh hiện thảo luận gấp với các bên về những bước đi tiếp theo.

Về căng thẳng giữa Mỹ và Iran, người phát ngôn trên cho biết hiện có nhiều công ước quốc tế nhằm ngăn chặn việc phá hủy di sản văn hóa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tấn công 52 địa điểm của Iran, bao gồm cả nhiều mục tiêu là những di sản văn hóa của Iran, nếu Tehran tấn công công dân hoặc tài sản của Mỹ.

Trước đó, ngày 5-1-2020, Iran tuyên bố nước này sẽ tiếp tục giảm bớt các cam kết đối với JCPOA, song vẫn tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tuyên bố khẳng định Tehran sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân về số lượng máy ly tâm để làm giàu urani mà họ có thể sử dụng, điều này đồng nghĩa sẽ không có giới hạn đối với năng lực và cấp độ làm giàu urani hoặc quá trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran. Từ nay, những vấn đề này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu kỹ thuật của Iran.

Quyết định trên là bước đi mới nhất của Tehran trong việc rút lại các cam kết trong khuôn khổ JCPOA, sau khi Mỹ sát hại Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), trong vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad của Iraq hôm 3/1 vừa qua. Iran đã phản ứng giận dữ về vụ việc này và cảnh báo đáp trả mạnh tay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 4-1-2020 cũng cảnh báo Mỹ sẽ "đáp trả mạnh chưa từng thấy" và sẽ sử dụng vũ khí "hoàn toàn mới",  nhằm vào 52 mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran, nếu Tehran tấn công. Cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn trong khu vực.

Cùng ngày 6-1-2020, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nước này sẵn sàng đối phó với mọi hậu quả tiềm ẩn từ căng thẳng leo thang ở Trung Đông sau vụ Mỹ không kích vào Iraq tiêu diệt Tướng Qasem Soleimani.

Các quan chức bộ trên cho biết Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki đã chủ trì một cuộc họp kín, trong đó có nhiều lãnh đạo các cơ quan quản lý tài chính, nhằm đánh giá tác động tiềm ẩn của những căng thẳng tại Trung Đông đối với kinh tế Hàn Quốc. Trong cuộc họp, các quan chức cho rằng hoạt động nhập khẩu tài nguyên từ Trung Đông đến Hàn Quốc sẽ không lập tức bị gián đoạn, nhưng nước này vẫn cần theo dõi sát sao tình hình và cân nhắc phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Trung Đông.

Tính đến cuối tháng 11 năm ngoái, lượng dự trữ dầu của chính phủ lên tới 96,5 triệu thùng. Nếu tính đến lượng dự trữ từ lĩnh vực tư nhân, lượng dự trữ ước tính khoảng 200 triệu thùng.

Hàn Quốc nhập khẩu 70% lượng dầu thô từ Trung Đông trong thời gian từ tháng 1 đến 11-2019. Trong khi đó, lượng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng ước tính 38%.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN