EU thúc đẩy chiến lược mới ở Trung Á

22/02/2024 - 09:40

EU đang thúc đẩy một chiến lược mới để gia tăng tầm ảnh hưởng ở Trung Á.

Ảnh minh họa: Asiaplustj

Ảnh minh họa: Asiaplustj

Theo Tiến sĩ Mehmet Fatih Oztarsu, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu EU tại Đại học Hankuk, Trung Á đang trở thành "nam châm" thu hút các cường quốc toàn cầu. Với lợi thế về vị trí địa lý gần và quy mô lớn về diện tích, dân số và tiềm lực kinh tế, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực với những cam kết về các siêu dự án. Để cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực này, EU đặt mục tiêu tăng cường sự hiện diện bằng một chiến lược mới.

Bình luận trên trang web của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) mới đây, Tiến sĩ Oztarsu cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Á xoay quanh các khoản đầu tư lớn dài hạn.

Trong khi đó, EU đã cam kết cung cấp các khoản vay nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường tự do và thúc đẩy nhân quyền. Chương trình nghị sự “phương Tây” này cũng nhận một số chỉ trích trong khu vực.

Năm 2007, EU chính thức hóa cách tiếp cận của mình bằng Chiến lược Trung Á đầu tiên. Bất chấp kế hoạch ​​này, việc Mỹ ưu tiên Afghanistan trong các chính sách khu vực của mình đã khiến EU chủ yếu coi khu vực này trong bối cảnh an ninh và tập trung vào sự phát triển ở quốc gia đó.

Điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) vào năm 2013, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào các nước Trung Á, củng cố vị thế là một cường quốc kinh tế lớn trong khu vực. Trên toàn thế giới, các dự án BRI có tổng giá trị 1.000 tỷ USD.

Trong khi BRI gặp phải vấn đề đặc biệt là ở châu Âu, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy ở các khu vực khác. Năm ngoái, họ đã công bố các dự án dài hạn ở Trung Á với Tuyên bố Tây An được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á và ký các thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD. Trung Quốc đã tăng khối lượng thương mại với các nước trong khu vực từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên 70 tỷ USD vào năm 2022.

EU đã phản ứng: Cả Chiến lược Trung Á của EU được cập nhật vào năm 2019 và Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) đều thảo luận về tác động ngày càng tăng của BRI đối với khu vực.

EU cho biết chiến lược Global Gateway đưa ra một cách tiếp cận khác để phát triển "trên cơ sở bình đẳng". Sáng kiến ​​trị giá 300 tỷ euro này nhắm tới các dự án cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số và khí hậu toàn cầu vào năm 2027, khiến Trung Á trở thành một ưu tiên. Dự án nhằm hỗ trợ khu vực, tăng cường sự tham gia của châu Âu.

Một giai đoạn quan trọng của sáng kiến ​​này đã được đưa ra tại Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu vào tháng 10 năm ngoái. Các dự án khu vực đã được trình bày và các thỏa thuận song phương đã đạt được - ví dụ, chuyển đổi kỹ thuật số ở Kyrgyzstan và thành lập một nhóm đặc biệt cho mục đích này, chuyển đổi kinh tế ở Turkmenistan và giúp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO) và cải cách giáo dục toàn diện ở Tajikistan.

Liên minh châu Âu cũng đã tổ chức Diễn đàn Nhà đầu tư về Kết nối Giao thông EU - Trung Á, quy tụ đại diện từ cả 5 nước cộng hòa Trung Á cùng với các quan chức EU vào cuối tháng 1 vừa qua. Hội nghị thảo luận về các cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và kết nối.

Vấn đề kết nối chiếm vị trí trung tâm. Những người tham gia diễn đàn đã thảo luận về tiềm năng của hành lang kết nối Trung Á và châu Âu trong vòng 15 ngày, thúc đẩy đáng kể hợp tác kinh tế và thương mại. Ngoài ra, dự án còn có cam kết hỗ trợ tài chính trị giá 10 tỷ euro.

Một biên bản ghi nhớ trị giá 1,5 tỷ euro cũng đã được ký kết giữa Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) với Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Ngoài ra, Kazakhstan còn đề xuất giao quyền quản lý 22 sân bay và 2 cảng biển Caspia cho các nhà đầu tư châu Âu.

Trong khi EU bày tỏ sự tin tưởng vào chiến lược Trung Á của mình thì những rào cản đáng kể vẫn còn ở phía trước.

Sức mạnh kinh tế vượt trội và sự gần gũi về mặt địa lý của Trung Quốc mang lại cho nước này đòn bẩy không thể phủ nhận. Ngay cả khi các dự án đã hứa được thực hiện thì cũng sẽ khó có thể cạnh tranh được với chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, dù chiến lược mới cần thời gian để phát triển, nó hứa hẹn mang lại những kết quả đôi bên cùng có lợi.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN