EVN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

21/12/2020 - 16:44

Sáng 21-12-2020, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trang trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành điện lực Việt Nam (21-12-1954 – 21-12-2020).

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Cùng dự buổi lễ còn có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Ôn lại chặng đường phát triển của ngành điện Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân khẳng định, trong 66 năm qua, ngành điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Từ chỗ khi tiếp quản từ chế độ cũ, công suất hệ thống điện ở miền Bắc vào cuối năm 1954 chỉ có 31,5 MW, đến nay, hệ thống điện đã có quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 23 thế giới với công suất hơn 61.000 MW (trong đó công suất nguồn điện do EVN sở hữu là hơn 29.600 MW) và hệ thống lưới điện vươn rộng toàn bộ đất nước, bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Đến nay, EVN đã có giá trị tổng tài sản khoảng 718.000 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gắn danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới lên lá cờ truyền thống của EVN - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gắn danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới lên lá cờ truyền thống của EVN - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong nhiều năm qua, ngành điện lực Việt Nam luôn được gắn liền với những công trình điện lớn, mang tầm quốc tế và khu vực như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc-Nam từ mạch 1 nay đã được bổ sung thêm mạch 2 rồi mạch 3; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của cán bộ, kỹ sư Việt Nam.

Đặc biệt, trong giai đoạn một thập kỷ gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng và có nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện ổn định và an toàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục với mức tăng trưởng điện thương phẩm ở mức bình quân 9,7%/năm.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, EVN vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ động viên hết sức to lớn đối với hàng vạn cán bộ nhân viên và người lao động trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, là động lực để toàn thể cán bộ nhân viên ngành điện thêm quyết tâm hơn nữa, đưa ngành điện lực Việt Nam tiến bước cùng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã biểu dương và chúc mừng thành tích anh hùng trong chiến đấu và lao động, sản xuất mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, người lao động của ngành điện lực Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển 66 năm qua, đặc biệt là những thành tựu lớn lao mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đạt được và được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh và xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ đối với ngành điện Việt Nam, mà nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đó là: Bảo đảm an ninh cung ứng điện, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tập đoàn lớn của Nhà nước tiếp tục giữ vai trò trụ cột và chủ đạo trong ngành điện. Vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và chúc mừng thành tích của EVN - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và chúc mừng thành tích của EVN - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và có kế hoạch được duyệt, trong đó: Chủ động tham gia với Bộ Công Thương để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch điện 8 giai đoạn 2030 và tầm nhìn 2050, từ đó lập kế hoạch thực hiện quy hoạch trong đó xác định rõ lộ trình, nguồn lực để đầu tư, phát triển các dự án điện bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. 

Đa dạng hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỉ trọng hợp lý. Đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện; khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm khai thác hiệu quả mọi nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và nâng cao chất lượng điện năng. Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện: Thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. 

Thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức vào năm 2023. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác quản trị doanh nghiệp nhằm xây dựng các doanh nghiệp ngành điện lớn mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; có tiềm lực tài chính mạnh, tín nhiệm tài chính cao để có khả năng tự huy động vốn cho phát triển điện. 

Ngành điện thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động.

Tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện, từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng; tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong toàn xã hội. 

Bảo đảm đời sống, việc làm của người lao động ngành điện, xây dựng cơ chế tiền lương và thu nhập của lao động ngành điện, chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp quy định của Nhà nước.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Tập đoàn Điện lực. Trước đó, với thành tích của mình, từ năm 1996 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vinh dự được nhận Huân chương Sao Vàng, 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Ba. 

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN