 |
Anh Thắng bên chú chim đại bàng đang trong quá trình huấn luyện. |
Tại Việt Nam, trong khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, xuất hiện một môn thể thao khá xa lạ, đòi hỏi sự tập luyện kỳ công, vốn ban đầu bỏ ra cũng không ít. Theo một số cá nhân từng chơi bộ môn này chia sẻ, cảm giác thành công còn “sướng hơn cả trúng vé số” bởi đó là cảm giác khi điều khiểu “chúa tể bầu trời”. Đó là môn thể thao Falconry.
Người
tham gia môn này còn được gọi là falconer. Tại các nước phương Tây, một người
muốn tham gia thi đấu phải trải qua từ 5 - 7 năm cho việc tập luyện dòng chim
săn mồi và có chứng nhận mới được gọi là falconer. Falconry còn được luyện tập
và được xem như là một môn thể thao truyền thống của Hàn Quốc. Chim săn mồi là
loài chim lớn, bản tính hung dữ, người ta thuần phục và huấn luyện chúng đi săn
trong môi trường tự nhiên. Dòng chim săn mồi thường sử dụng gồm các loài như
đại bàng, chim ưng, chim cắt, đại bàng ưng hay cú mèo.
Anh
Võ Quốc Thắng, sinh năm 1981, ngụ tại phường Phú Khương, TP. Bến Tre quyết tâm
theo đuổi falconry được 4 năm. Những năm đầu tham gia, kinh nghiệm không nhiều
và điều kiện nghiên cứu kiến thức tại Bến Tre lại khó khăn do không có nhiều
người biết về tính chất của nó, anh tìm đến những falconer tại TP. Mỹ Tho để
học hỏi về cách nuôi cũng như cách huấn luyện. Anh Thắng hiện sở hữu 6 chú chim
bao gồm đại bàng biển, chim cắt và diều trắng. Hiện nay, để sở hữu một chú chim
săn nhỏ như diều trắng cần khoảng từ 800 ngàn đồng và đối với một chú chim đại
bàng thì phải trên 15 triệu đến vài chục triệu đồng (tùy theo độ tuổi và loài
đại bàng nào). Và tất nhiên, việc huấn luyện loại “chim vua” này không hề đơn
giản.
Anh
Thắng cho biết: “Khi có chim rồi, cần phải sắm phụ kiện để nuôi và huấn luyện, như
găng tay da, dây da để xích chân, chuông đeo chân chim, mũ da bịt mắt (hood),
còi, cần đậu, cân điện tử, thậm chí cả thiết bị định vị khi cần thiết”.
Chim
được mua lúc còn non thì dễ huấn luyện hơn. Nếu là chim mới bẫy về thì cần tập
cho chim quen người, đậu và ăn trên găng tay. Hằng ngày, anh Thắng thường mang
những chú chim của mình đến những bãi đất trống để chúng tập bay. Ban đầu là
bay qua tay ăn mồi theo hiệu lệnh còi, rồi đến giai đoạn tập săn mồi bằng mồi
giả và mồi thật.
Khi
chim đã thuần thục thì tập thả tự do cho chim bay lượn và đi săn ngoài tự
nhiên. Giai đoạn này nếu nhanh thì cũng vài tháng, có loài phải mất khoảng 2
năm. “Cũng có trường hợp các falconer thả chim đi săn tự do thì bay mất đi mất,
thổi còi mọi cách chúng vẫn không về nữa” - anh Thắng cho biết.
Mỗi
ngày, một chú đại bàng này “chén” hết 4 con chim cút, diều trắng thì khoảng hơn
1 con. Người nuôi chim cũng thường chọn các loại thức ăn khác nhau để cho “nhẹ
túi tiền” như ếch, chuột. Mỗi khi tập luyện, phải cho chúng ép cân. Thời điểm
này, các chú chim trở nên… nóng tính. Bản tính hung tợn và phần móng vuốt sắt
bén có thể gây tổn thương chủ nhân bất cứ lúc nào.
Cũng
không ít người ham mê, muốn tìm hiểu và tham gia bộ môn này, bỏ ra vài chục
triệu đồng để mua chim nhưng sau vài ba tháng thì không chơi nữa. Bởi môn này
ngoài sự đam mê ra, còn có lòng kiên trì, điều kiện nuôi chim phải thoáng, mát,
sạch sẽ. Người nuôi phải xem chúng như bạn, vì chỉ cần chúng sợ thì sẽ rất khó
huấn luyện, đôi khi còn tấn công mình.
Năm
2015, anh Thắng tham gia cuộc thi falconry tại Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) do một
khu du lịch tổ chức. Cuộc thi chia ra 2 nội dung dành cho chim săn và biểu diễn
chim lượn. Tuy không đạt giải, nhưng anh Thắng có thêm nhiều kinh nghiệm trong
huấn luyện và thi đấu. Anh đang dành tâm sức của mình để huấn luyện chú đại
bàng biển cho lần thi tiếp theo.
Ở Việt Nam nói chung và Bến Tre nói
riêng, bộ môn này còn khá lạ lẫm và chỉ phát triển theo hướng tự phát, không
bị ngăn cấm nhưng cũng không khuyến khích. Thiết nghĩ, việc nuôi và huấn
luyện chim săn mồi cần có phương án quản lý tốt, phù hợp để bảo vệ những loài
chim quý hiếm trong tự nhiên. Mặt khác, tạo điều kiện nghiên cứu, tạo sân
chơi lành mạnh, hợp pháp cho những người có chung niềm đam mê môn thể thao
này.
|