Gần 90 tỷ đồng cho hoạt động của Dự án DBRP

31/01/2012 - 17:56

Năm 2011, các hoạt động trong khuôn khổ Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP) được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Mục tiêu giảm nghèo bền vững đã từng bước được thể hiện rõ nét hơn.

Qua thống kê, có trên 34% người nghèo tham gia các hoạt động của Dự án, 95% người nghèo tìm được việc làm sau đào tạo nghề và 85% nông dân ứng dụng kiến thức vào sản xuất sau tập huấn. Năm 2011, toàn tỉnh còn 12,63% hộ nghèo (45.661 hộ) và 6,08% hộ cận nghèo (21.993 hộ), giảm 2%/năm. Đây là nỗ lực đáng kể của tỉnh trong công tác giảm nghèo, trong đó có sự tác động của Dự án qua hỗ trợ đầu tư cho 50 xã của 8 huyện trong tỉnh.

Được xếp hạng 10 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là minh chứng sự cải thiện về môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh, là điều kiện tốt cho tỉnh trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn nông thôn. Nhiều hoạt động tạo việc làm cho người nghèo đã được triển khai tại xã, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nông thôn, các nhóm hợp tác nhằm phát triển sản xuất, thúc đẩy thương mại và việc làm cho người dân 50 xã. Trong năm 2011, đã có 105 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Lũy kế đến hết năm 2011, Dự án đã tài trợ cho 50 xã làm chủ đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 228 công trình hạ tầng nông thôn với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng. Nhiều công trình được tổ chức với hình thức tự thực hiện nên tiết kiệm được chi phí và đảm bảo chất lượng công trình, nâng cao tính sở hữu của cộng đồng. Năng lực của cán bộ xã được tăng cường, nhất là trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định hướng thị trường; năng lực làm chủ đầu tư các công trình hạ tầng và các hoạt động. Nhiều huyện đã lồng ghép kế hoạch cấp xã vào kế hoạch phát triển chung của huyện.

Với nội dung phát triển cộng đồng, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, trong năm qua đã có 23.990 lượt người tham dự và thụ hưởng trong tất cả các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội thảo, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu thị trường, hội chợ triển lãm, khởi sự doanh nghiệp, dạy nghề nông thôn do DBRP hỗ trợ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 810 món vay (dư nợ 35,2 tỷ đồng) cho nông dân và các doanh nghiệp để đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo được 1.575 việc làm cho lao động nông thôn trong vùng Dự án (qua 3 năm thực hiện Dự án đã cấp 73,4 tỷ đồng với 1.574 món vay). Những hoạt động này đã tác động một phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho các nhóm mục tiêu, góp phần giảm nghèo cho tỉnh Bến Tre.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án, được tổ chức vào trung tuần tháng 1-2012, đã thống nhất mục tiêu trọng tâm trong năm 2012 của Dự án là tập trung cho công tác giảm nghèo tại 50 xã của 8 huyện. Điều này được thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể như xây dựng ý tưởng và hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh cho các nhóm hợp tác nhằm tạo việc làm và thu nhập cho hộ nghèo nông thôn; hỗ trợ các hoạt động phù hợp theo từng nhóm hộ nghèo, có sự kết nối giữa đầu vào và đầu ra (nông dân - doanh nghiệp - thị trường) trong các hoạt động Dự án; lồng ghép một cách hợp lý các nguồn đầu tư của Dự án vào các hoạt động giảm nghèo của tỉnh và các chương trình khác như chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình dạy nghề nông thôn cho người nghèo và chương trình ứng phó biến đổi khí hậu. Dự kiến ngân sách đầu tư cho các hoạt động này là 4,4 triệu USD (gần 90 tỷ đồng).

Đặc biệt, nhằm tăng tốc thực hiện Dự án từ năm 2012, Ban Chỉ đạo Dự án thống nhất giao cho các sở, ngành tự xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo về mục tiêu và kết quả thực hiện. Văn phòng Dự án huyện đóng vai trò đầu mối, được phân cấp điều phối tất cả hoạt động hỗ trợ của Dự án trên địa bàn huyện thay cho Ban Quản lý Dự án tỉnh (trừ Quỹ đầu tư cấp xã được phân cấp cho UBND xã làm chủ đầu tư) và chịu trách nhiệm trước UBND huyện và Ban Quản lý Dự án tỉnh về kết quả thực hiện.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN