Chợ Bến Tre năm 2017 so với năm 1975, biết bao cảnh đã đổi
thay, biết bao lớp người trưởng thành, có một gánh xôi đêm qua mấy thập kỷ là vẫn
như xưa. Một khách Việt kiều hồi hương vào mua một nắm xôi gói lá chuối và nói:
“Tôi đi nửa vòng trái đất mới lại được ăn xôi này…”.
Xôi chờ, xôi đợi, xôi ghiền… là tên gọi của nhiều thực
khách đặt cho món xôi ngay chân cầu Bến Tre (trước cửa hàng bán phụ tùng xe Huê
Liên, Phường 3, TP. Bến Tre). Gần 50 năm trôi qua, gánh xôi đêm dưới chân cầu
Cái Cối ngày nào đến nay vẫn chỉ là chiếc xe đẩy bán xôi không tên, không biển
hiệu. Tại sao một gánh xôi như thế lại có sức sống lâu đến thế? lại đêm khuya
mới ra bán, bán cho ai? sao không là một món ăn đặc biệt nào khác mà phải xôi?
Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời.
Gia truyền 50 năm
Tầm 7 giờ tối, chị Trần Thị Thanh, ngụ Phường 3, TP. Bến
Tre lại đẩy chiếc xe xôi ra trước cửa hàng Huê Liên, dưới chân cầu Bến Tre ra
bán, đây là giờ cố định từ 50 năm qua. Ở góc đường tờ mờ ánh đèn, mà xe 4 bánh,
2 bánh đậu đỗ tấp nập, xôi chỉ bán hơn 3 tiếng là hết hàng. Chị Thanh năm nay
50 tuổi nhưng có đến 42 năm theo nghề bán xôi. Chị kể: “Năm 8 tuổi tôi đã phụ mẹ
bán xôi ở chân cầu Cái Cối. Khi bà lớn tuổi, nghỉ bán, tôi nối nghiệp. Bà cụ
năm nay 86 tuổi. Gánh xôi ấy đã giúp mẹ tôi nuôi 10 đứa con. Tôi là con thứ
chín”.
Xôi bán đắt là nhờ nấu ngon. Chị Linh ở Phường 7 tấp xe
vào gọi 10 gói xôi ngọt, chị là khách quen đã lâu năm, chị Linh phân tích: “Nhà
tôi hay ăn xôi, nhưng xôi ở đây là ngon nhất, dẻo nhưng không dính, không dầu mỡ
vì có nước dừa, nước cốt dừa vừa đủ. Phải xôi khéo lắm mới được như vậy. Các
món mặn như con ruốc, thịt khìa cũng vừa miệng, không ướt dầu mỡ. Xôi ngọt được
bọn trẻ nhà tôi chuộng nhất”.
Khách mua xôi quý cái tình người bán. Chị Năm Sa Đéc giận
chồng bỏ xứ đi đến Bến Tre bán vé số, đi mỏi, chị lại ghé vỉa hè ăn gói xôi đêm
nóng hổi, chuyện trò rôm rả với người bán người mua xôi giúp chị thấy cuộc sống
ấm hơn. Chị Năm nói: “Nhiều người ghiền xôi đêm này mà không đi mua được nên nhờ
tôi mua dùm, tôi lội đi mua, họ đáp trả bằng mua vé số. Riết rồi tôi cũng ghiền
xôi này luôn, ngày mưa cũng như ngày bão, xôi đêm lúc nào cũng có, không lỗi hẹn
người mua, nhất là người đi bán ban đêm như tôi không sợ đói”.
Xôi ấm tình đời
Nhiều người lớn tuổi cho biết, chợ Bến Tre có trên 100 tuổi.
Theo địa chí Bến Tre, trước năm 1909, nhà lồng chợ Bến Tre được xây cất bằng gỗ
lợp ngói, quán xá trù mật. Chợ Bến Tre nhiều lần được xây cất lại, năm 1968 do
bị cháy, chợ xây lại có cả lầu, chia thành 36 ô buôn bán từng loại hàng. Chợ Bến
Tre được xem là trung tâm thương nghiệp lớn nhất của tỉnh, bán đầy đủ các loại
hàng từ cây kim sợi chỉ, đến hàng điện máy… Nơi đây còn là bến đậu của các loại
ghe tàu vận chuyển hàng hóa và hành khách từ các nơi đến thị xã, hoặc từ thị xã
đi các huyện và các tỉnh bạn.
Hơn 9 giờ đêm, thành phố thật im ắng, vài người dân sống ở
khu vực chợ Bến Tre lặng lẽ ngồi uống trà, trò chuyện - họ là những cư dân
thành phố vào độ tuổi trung niên. Dưới ánh đèn đường gần bùng binh, anh xe ôm
chạy ca đêm, anh bán xăng lẻ cho khách lỡ đường hết xăng cũng tham gia uống
trà. Trong ký ức của cư dân lâu năm, chú Ba 73 tuổi nhớ lại: “Khu vực chợ này
cách đây 50 năm cũng rất sầm uất, đông vui. Từ 9 giờ tối đến sáng, ghe bắt đầu
cập bến Lỡ (khu vực chợ bên sông Bến Tre) mang theo bao nhiêu thứ đặc sản như:
ghe từ Cái Mơn chở trái cây theo mùa xuống, từ Ba Tri, Thạnh Phú chở nghêu lên
bán, mùa đường, thì ghe từ Mỏ Cày chở đường thùng lên đậu tấp nập. Con buôn khắp
nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh đổ về mua bán, phu bốc vác, xe lôi đạp, xe ba gác
xúm xít ăn uống. Hàng quán thì nhiều vô kể, nào là bánh canh bông cải, hủ tiếu,
mì, cà phê Năm Cao, cà phê Huê Liên luôn đông khách, quán nhậu và có cả gánh
xôi ngay chân cầu Cái Cối”.
Chị Thanh kể, tôi không nhận đặt xôi mà chỉ bán 2 thúng
xôi đêm, thấy vậy chứ công việc lắt xắt từ sáng sớm đến khi đi bán. Nào là nướng
bánh phồng, nấu đậu xanh, tán nhuyễn, đường đậu phộng, khìa thịt, xào ruốc,
xôi, lau lá chuối… Mẹ tôi cũng bán hai loại xôi như thế này từ xưa, tôi cũng
không nhớ rõ bà ra bán năm bao nhiêu tuổi. Giá mỗi gói hiện nay là 5 ngàn đồng/gói
ngọt, 5 - 10 ngàn đồng/gói mặn.
Xôi được hong nóng bằng than và tro, vừa rẻ vừa ngon, có
thể ăn chơi và cũng có thể ăn để no, bao nhiêu năm nay thực khách vẫn đủ mọi tầng
lớp. Nhưng ngày xưa phu đêm ăn nhiều hơn, ngày nay thì học sinh đi học tối về
ngang, người đi chơi ban đêm ngán thịt cá nên thường mua xôi ngọt. Một chị tên
Hồng, hơn 50 tuổi chuyên đi hái sơ ri, 9 giờ tối chị mới rời vựa ở Bình Phú về
xã Mỹ Thạnh An ngang xe xôi chị Thanh. Chị Hồng dắt xe đạp vào mua hai gói xôi
1 mặn, 1 ngọt hết 10 ngàn đồng, chị cười tươi nói: “mình làm từ sáng đến tối kiếm
được 100 ngàn đồng, chủ vựa bao cơm trưa, còn tối ăn xôi thế này là no bụng, xong
buổi tối”.
Đoạn đường này, cảnh và người đã không còn như xưa, chỉ
có gánh xôi nay là xe xôi thì vẫn con người ấy, nắm xôi ấy là không thay đổi.
Phải chăng một góc quê hương là đây mà bao nhiêu người xa xứ hồi hương, bao người
phu đêm nhất định phải ăn cho được nắm xôi mới thỏa lòng!
Ngày xưa nhờ gánh xôi mà mẹ chị Thanh nuôi các con khôn lớn.
Chị Thanh giờ đây vẫn sống với mẹ, nhờ nghề bán xôi mà chị có thể trả hiếu mẹ.
Ăn vội trái bắp luộc lót dạ, chị Thanh tay thoăn thoắt gói xôi cho khách, gương
mặt mộc, quần áo bình dị, chị vẫn giữ nguyên phong cách bình dân như thuở nào mẹ
và chị cùng nhau bán ở góc đường vàng ánh đèn đêm.