Gặp nhau đầu ngõ thì tỏ lời chào

01/11/2019 - 06:41

BDK - Đầu tháng 10 vừa rồi, có dịp ra thăm thủ đô Hà Nội, tôi và một vài anh chị đồng nghiệp cùng đến tham quan làng cổ Đường Lâm, một trong những vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời. Câu chuyện về lời chào ở Đường Lâm lần đó là một trong những kỷ niệm khó quên của đoàn chúng tôi.

Cụ Giang Vĩnh Phúc – ông từ đình làng Mông Phụ kể chuyện truyền thống lịch sử của làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Triều Dương

Cụ Giang Vĩnh Phúc – ông từ đình làng Mông Phụ kể chuyện truyền thống lịch sử của làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Triều Dương

Xe vừa tới đầu làng, chúng tôi ùa ngay vào sân đình, tranh thủ chụp liền mấy tấm hình “check in” ở làng cổ. Đang mải mê tạo dáng ngay cổng đình, thì một cụ ông bước đến bảo: “Các anh chị vui lòng đừng đứng giữa cổng đình mà chụp ảnh như thế. Nơi này là đình làng chúng tôi rất tôn kính”. Chợt nhận ra sự vô ý vô tứ của mình, cả nhóm bèn xin lỗi và men theo hai bên cửa nhỏ để đi vào trong. Trong gian đình cổ, bên ấm nước vối vừa pha mời khách, ông Giang Vĩnh Phúc - ông từ của đình làng Mông Phụ mới ôn tồn kể cho chúng tôi nghe truyền thống lịch sử của làng cổ Đường Lâm.

Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 50km, là một địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa làng truyền thống Việt Nam, được mệnh danh là “vùng đất hai vua” - nơi sinh ra của hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng. Đồng thời cũng là quê hương của nhiều anh tài cổ kim của đất nước như: Thám hoa Giang Văn Minh, cụ Phan Kế Toại, Cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn... Đây là làng cổ đầu tiên của Việt Nam được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2005, ngôi làng vẫn giữ được các đặc trưng của ngôi làng truyền thống Việt Nam như các kiến trúc cổng làng, sân đình, giếng nước...

Thấy chúng tôi còn e ngại vì bị nhắc nhở, ông Giang Vĩnh Phúc mới lý giải, đình làng là nơi thiêng liêng, có ý nghĩa quan trọng với người dân nơi đây. Đình làng Mông Phụ, thuộc thôn Yên Phụ, xã Đường Lâm được ghi nhận xây dựng vào năm 1553 với lối kiến trúc gỗ đặc sắc, đình tôn thờ Thánh Tản Viên làm Thành hoàng làng. Trong ứng xử hàng ngày, người làng Đường Lâm vẫn còn lưu giữ và thực hành nhiều nét văn hóa đẹp, nhất là coi trọng lễ nghĩa, phép tắc trong giao tiếp ứng xử. Ông Giang Vĩnh Phúc nói: “Mình chào một tiếng, hỏi han một tiếng thì lợi cho mình trước. Cái lợi ở đây là tình cảm, lễ nghĩa giữa người với người, người nhỏ tuổi chào người lớn tuổi là thể hiện sự lễ độ, anh em, bạn bè chào nhau là quan tâm nhau. Mình chào một lời thì người ta hỏi thăm lại mình, như vậy cũng “lời” được tiếng hỏi thăm rồi”. Nếp sống của người làng Đường Lâm bao đời nay là vậy, gặp nhau đầu ngõ thì tỏ lời chào, khách đến nhà thì mời nước chè, nước vối rồi hỏi thăm nhau. Đây cũng là nét đẹp văn hóa mà người dân ở Đường Lâm lưu giữ và trao lại cho con cháu, thực hành trong giao tiếp, ứng xử với khách thập phương đến thăm làng.

Nhân đây, tôi lại nghĩ đến tác phong ứng xử của du khách khi đi du lịch, nhất là khi đến các điểm mang tính chất trang trọng, linh thiêng như đình, chùa, nhà thờ, các di tích lịch sử - văn hóa của một địa phương. Nhiều người vẫn còn vô tư mặc trang phục quá thoải mái như quần đùi, áo dây. Cũng không ít trường hợp như đi giày dép vào nơi cần sự tôn kính. Đành là đang đi du lịch nhưng thiết nghĩ cần có lối ứng xử phù hợp tùy vào hoàn cảnh. Trong Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch có đề cập đến những quy tắc ứng xử của khách du lịch, trong đó có lưu ý “mặc trang phục nghiêm túc khi tham quan tại những nơi thờ tự tín ngưỡng tôn nghiêm, nghĩa trang liệt sĩ, lễ hội truyền thống; không tạo dáng phản cảm khi chụp ảnh tại nơi tôn nghiêm; tôn trọng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cộng đồng địa phương tại điểm đến...”.

Nhóm chúng tôi rời đình làng Mông Phụ để đi sâu hơn vào trong làng cổ, đắm chìm trong vẻ đẹp cổ xưa và không quên áp dụng ngay bí quyết “lời chào cao hơn mâm cỗ” của cụ Giang Vĩnh Phúc. Thu hoạch của cả nhóm hôm đó không chỉ là những bức ảnh đẹp ở làng cổ mà còn là những nụ cười thân tình của người Đường Lâm. Bên tách nước chè thơm, khúc chè lam ngọt dịu, lời chào đã khơi nguồn cho chúng tôi chạm vào những câu chuyện được lưu giữ trong văn hóa ứng xử của người Đường Lâm. Đó cũng là những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc Việt Nam mà chính những bạn trẻ như chúng tôi cần trân trọng, gìn giữ.

Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích