 |
Thu hoạch mía ở xã Châu Bình (Giồng Trôm). Ảnh: T.L |
Trước khi bước vào niên vụ mía 2009-2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các nhà máy mía đường trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thống nhất thời điểm thu mua, khắc phục tình trạng bán mía non gây thiệt hại cho người trồng và nhà máy hoạt động hiệu quả thấp.
Theo đó, trung tuần tháng 9-2009, các nhà máy đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng lũ đi vào hoạt động trước và số còn lại đồng loạt vận hành trong tháng 10-2009. Bộ cũng đã ấn định giá sàn thu mua mía nguyên liệu cho nông dân trên tinh thần: một tấn mía mua tại ruộng bằng giá trị 60 kg đường trước thuế tại nhà máy, tương đương gần 550.000 đồng/tấn (10 chữ đường). Mức giá này cao hơn giá bảo hiểm mà Công ty Cổ phần mía đường Bến Tre hợp đồng thu mua với nông dân trồng mía nằm trong vùng nguyên liệu 50.000 đồng/tấn. Nhưng một bất ngờ diễn ra là giá mía nguyên liệu tại ruộng được mua từ 660.000 đồng/tấn đã nhảy vọt lên 720.000 đồng/tấn (8 chữ đường).
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn-Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Bến Tre, mức giá thu mua như hiện nay là cao nhất đối với người trồng mía. Nếu như nông dân thu hoạch mía “già”, mỗi chữ đường tăng thêm 50.000 đồng/tấn. Theo cách tính sát giá, trừ chi phí các khoản, mỗi ha đất trồng mía nông dân còn lãi trên 34 triệu đồng. Ông Sơn cho rằng, giá mía nguyên liệu tăng do giá đường cát tăng nên nhà máy hoạt động vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Nhà máy đường Bến Tre đã hoàn tất việc vận hành thử và cuối tháng 10-2009 chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy đã hợp đồng vùng nguyên liệu với nông dân là 1.791 ha. Ngay từ đầu niên vụ, nông dân được nhà máy đầu tư tiền từ 9-14 triệu đồng/ha. Với diện tích này chỉ đảm bảo 50% nguyên liệu cho nhà máy hoạt động cả niên vụ, số còn lại phải tự cạnh tranh thu mua. Các nhà máy hoạt động sớm thường có lợi thế là giá thu mua mía nguyên liệu thấp. Đến khi các nhà máy đồng loạt hoạt động, đặc biệt là thời điểm gần cuối vụ, giá mía luôn tăng.
Theo ông Sơn, trong thương trường phải chấp nhận sự cạnh tranh để đảm bảo được lợi nhuận cho nhà máy. Liên tiếp ở những niên vụ mía gần đây, Công ty cổ phần mía đường Bến Tre hoạt động đạt hiệu quả cao. Thiết bị máy móc thường xuyên được duy tu bảo dưỡng, cho ra sản phẩm chất lượng. Nhà máy giải quyết việc làm cho hơn 360 lao động, lương bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng và thúc đẩy các dịch vụ kèm theo phát triển. Hiện tại, Hội đồng quản trị của công ty đã thống nhất niên vụ 2010-2011 hợp đồng với nông dân tổng diện tích 2.500 ha. Nhà máy sẽ ứng tiền trước cho nông dân đầu tư trồng mới và chăm sóc mía từ 10-20 triệu đồng/ha. Hiện nhà máy đã vượt qua giai đoạn khó khăn và có nhiều động thái tích cực đối với người trồng mía. Nhưng nhà máy cũng đang đứng trước nỗi lo về vùng nguyên liệu. Mới đây, khi nhà máy tiến hành khảo sát để đầu tư cho vùng nguyên liệu mới phát hiện rằng diện tích mía chuyên canh chỉ còn 3.000 ha và xen canh 2.000 ha. Ông Sơn nói: Nguyên liệu có ý nghĩa sống còn nên công ty luôn nỗ lực mời gọi nông dân hợp tác trồng mía.
Vì sao nông dân “phớt lờ” dần với cây mía. Câu hỏi này sẽ dễ dàng có một đáp án, khi qui luật cung - cầu luôn bất cập.