Mẹ
tôi mất năm 2002, không để lại di chúc. Tuy nhiên, lúc sinh thời, vào năm 1990,
bà có họp các con lại và có di nguyện miệng rằng: “Khi bà qua đời, phần đất này
sẽ chia cho mỗi người con trai: 0,2ha đất; chia cho đứa cháu ngoại ở cùng bà:
0,2ha. Còn lại 0,2ha đất và ngôi nhà, nếu ai trong số các con bà hoặc đứa cháu
ngoại tiếp tục ở, quản lý, thờ cúng ông bà, cha mẹ thì bà cho người đó, nhưng
không được bán”. Di nguyện này, tất cả 4 người con đều nghe và đồng ý.
Sau khi bà mất, đứa cháu ngoại lớn lên đi làm ăn xa, đến
năm 2004, người con thứ 3 cùng vợ con về sống trong căn nhà. Lúc đó, vì nghĩ
tình anh em và tất cả sẽ thỏa thuận được việc phân chia di sản của mẹ tôi để lại
như di nguyện của bà nên không ai có ý kiến gì. Gia đình người con này đã sinh
sống, hưởng lợi toàn bộ phần đất mà mẹ tôi để lại từ đó đến nay.
Tháng 4-2017, người con thứ 3 đã lén lút làm thủ tục chuyển
đổi GCNQSDĐ phần đất trên từ tên mẹ tôi sang cho người này. Trước sự việc xảy
ra, anh em họp lại, thống nhất thỏa thuận chia như di nguyện lúc sinh thời của
mẹ tôi, nhưng vợ chồng người con thứ 3 không đồng ý, tranh chấp xảy ra.
Xin hỏi, di chúc “miệng” có giá trị pháp lý không? Theo
quy định của pháp luật, di sản của mẹ tôi để lại sẽ được phân chia ra sao?
Chúng tôi không tranh chấp căn nhà.
Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật
sư Bến Tre) trả lời như sau:
1. Về di chúc miệng có giá trị pháp lý hay không:
- Điều 649, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 quy định: “Di chúc
phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có
thể di chúc miệng”.
- Điều 651, BLDS 2005 về di chúc miệng: “1. Trường hợp
tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản
thì có thể di chúc miệng; 2. Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người
lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ”.
- Khoản 5, Điều 652, BLDS 2005: “5. Di chúc miệng được
coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước
mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý
chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong
thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di
chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”.
Theo thông tin bà cung cấp, thì mẹ bà di chúc miệng vào
năm 1990, mẹ bà mất vào năm 2002. Căn cứ các quy định trên, di chúc miệng để lại
của mẹ bà không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 651 và Khoản 5, Điều
652, BLDS 2005 nên không được coi là hợp pháp, tài sản là quyền sử dụng phần đất
nêu trên sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
2. Về chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện
hành:
Trường hợp đến năm 2017, anh em bà mới yêu cầu chia di sản
thừa kế, căn cứ BLDS 2015, quy định cụ thể:
- Điều 649, BLDS 2015: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế
theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.
- Điểm b, Khoản 1,
Điều 650 BLDS 2015: “Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp di
chúc không hợp pháp”.
- Điểm a, Khoản 1, Khoản 2, Điều 651 BLDS 2015: “1. Những
người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a. Hàng thừa kế
thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của
người chết”; 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng
nhau”.
Theo đó, 3 người anh của bà và bà sẽ thuộc hàng thừa kế
thứ nhất và mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, là quyền sử dụng đối
với 1/4 phần đất, tương ứng với 0,25ha đất thừa kế này.