Ban Tổ chức đã nhận được số lượng tác phẩm dự thi kỷ lục từ trước đến nay, với tổng cộng 1.962 tác phẩm, là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của Giải và sự hưởng ứng tích cực của giới báo chí.
Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX - năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sáng 22-4-2025, vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX - năm 2024 khai mạc tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội.
Mùa giải năm nay đã thu hút sự tham gia của đông đảo các cấp Hội, với 17/21 Liên Chi hội, 29 Chi hội trực thuộc và 59/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố gửi tác phẩm dự thi.
Ban Tổ chức đã nhận được số lượng tác phẩm dự thi kỷ lục từ trước đến nay, với tổng cộng 1.962 tác phẩm. Trong đó, có 156 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Sau vòng sơ loại, 1.905 tác phẩm đủ điều kiện đã được đưa vào vòng chấm sơ khảo.
Ông Trần Thái Sơn, Trưởng ban Thư ký tổng hợp Giải, nhận định đây là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của Giải và sự hưởng ứng tích cực của giới báo chí, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang tập trung sắp xếp lại bộ máy.
Báo cáo khai mạc vòng chấm sơ khảo, ông Trần Thái Sơn cho hay mặc dù công tác tổ chức ở các cấp Hội nhìn chung nền nếp và hiệu quả, việc triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh gọn bộ máy đã ảnh hưởng đến tiến độ tuyển chọn tác phẩm ở một số địa phương, dẫn đến việc gửi tác phẩm dự thi muộn hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, việc thực hiện theo Điều lệ Giải mới với một số quy định và nhóm giải mới cũng khiến một số cấp Hội chưa hoàn toàn bám sát Hướng dẫn.
Các loại hình phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo sẽ được chấm trực tuyến thông qua phần mềm chấm giải của Hội Nhà báo Việt Nam. Vòng sơ khảo hứa hẹn sẽ diễn ra nghiêm túc, công tâm để lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất bước vào vòng chung khảo.
Phát biểu tại lễ khai mạc vòng chấm sơ khảo, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi bày tỏ niềm vui trước số lượng tác phẩm tham gia kỷ lục trong bối cảnh năm nay có nhiều sự kiện đặc biệt của đất nước và báo chí, kỷ niệm 75 năm thành lập Hội và hướng tới 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tham gia chấm vòng sơ khảo. (Ảnh: Sơn Hải/Vietnam+)
Ông Nguyễn Đức Lợi cho hay năm nay Giải được tổ chức theo Điều lệ mới sửa đổi, bổ sung, trùng với thời điểm nhiều cơ quan báo chí bận rộn với công việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều giải báo chí có quy mô lớn khác, song Giải Báo chí Quốc gia vẫn khẳng định được vị thế là Giải báo chí danh giá hàng đầu, nhận được sự quan tâm lớn của người làm báo và các cơ quan báo chí trên cả nước.
“Uy tín của Giải Báo chí Quốc gia đã được khẳng định vững chắc qua nhiều năm tổ chức, trở thành một giải thưởng cao quý nhất, danh giá nhất trong giới báo chí Việt Nam. Giá trị của Giải không chỉ nằm ở sự vinh danh các tác phẩm xuất sắc mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp Hội Nhà báo địa phương và thu hút sự quan tâm sâu sắc của đông đảo hội viên, người làm báo cả nước,” ông Nguyễn Đức Lợi nhận định.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của vòng chấm sơ khảo, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam lưu ý: "Hội đồng chung khảo sẽ dựa vào kết quả của vòng sơ khảo để đánh giá chất lượng các tác phẩm. Thành bại, chất lượng của Giải phụ thuộc phần lớn vào sự làm việc công tâm, trách nhiệm của các thành viên hội đồng sơ khảo. Mỗi thành viên cần phát huy hết khả năng, năng lực của mình để lựa chọn, đưa vào vòng chung khảo những tác phẩm thực sự xứng đáng.”
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ông Nguyễn Đức Lợi cũng đề nghị các thành viên Hội đồng sơ khảo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, “tập trung hoàn toàn vào chất lượng tác phẩm, chấm tác phẩm chứ không chấm đơn vị hay tác giả.”
Theo Phó chủ tịch Thường trực Hội, Hội đồng sơ khảo năm nay có sự thay đổi đáng kể về thành viên, bao gồm cả những người có kinh nghiệm và những gương mặt trẻ - là đại diện ưu tú từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, nhằm mang đến sự mới mẻ và đa dạng trong quá trình đánh giá.
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu Ban tổ chức đảm bảo tiến độ để Lễ trao giải có thể diễn ra thành công tốt đẹp vào tối ngày 21-6.