Giải pháp góp phần nâng cao giá cả các sản phẩm nông nghiệp

13/01/2023 - 11:20

BDK.VN - Thời gian qua, giá cả nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh, nhất là trái dừa khô sụt giảm mạnh trong khi giá vật tư nông nghiệp, các mặt hàng thiết yếu tăng, ảnh hưởng đến đời sống người nông dân. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp, góp phần nâng cao giá cả các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trái dừa trên địa bàn tỉnh.

Tập trung các giải phát hỗ trợ người trồng dừa. Ảnh: Cẩm Trúc.

Tập trung các giải phát hỗ trợ người trồng dừa. Ảnh: Cẩm Trúc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vận động, khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi liên kết hoặc các tổ, nhóm, hợp tác xã (HTX) sản xuất để cùng nhau tạo ra các sản phẩm đồng nhất về chủng loại và chất lượng. Hỗ trợ thông tin  về quy trình kỹ thuật nhằm thống nhất từ khâu làm đất, chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và có sự kết nối chặt chẽ với các đơn vị, cơ sở thu mua, chế biến. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất  tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản.

Tuyên truyền, hướng dẫn và đào tạo cho nông dân kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, khuyến khích người dân sử dụng các giống cây trồng mới theo cơ cấu, gieo cấy đúng thời vụ và sử dụng  các vật tư nông nghiệp sinh  học, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.

Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và các cơ quan có liên quan thực hiện tốt việc phát  triển, cấp, quản lý mã số vùng trồng  cho nông sản phục vụ xuất khẩu. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác (THT), HTX, doanh nghiệp (DN) xây dựng và quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đáp ứng theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời tham mưu UBND tỉnh  kiến  nghị với  Bộ NN&PTNT hỗ trợ đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, ..., trong đó sớm đưa trái dừa tươi được xuất khẩu vào Mỹ, Trung Quốc,...nhằm đa dạng  hóa  sản  phẩm, đa dạng  hóa  thị trường,  góp  phần  từng bước  giảm xuất khẩu tiểu ngạch.

Nghiên  cứu tiếp  tục phát  triển mạnh các  mô  hình  sản  xuất, trong đó chú trọng  phát  triển theo hướng hiệu  quả,  an  toàn  và  bền  vững.  Xây  dựng  vùng  sản xuất  tập  trung  gắn  với  lợi  thế sinh thái gia tăng khả năng cạnh  tranh  sản  phẩm. Tích cực phối hợp cùng các đơn vị có liên quan trong công tác quảng bá sản phẩm để hỗ trợ thúc đẩy tiêu  thụ nâng cao giá cả thị trường. Phối hợp với Sở Công Thương, cùng các ngành có liên quan và địa phương xây dựng bộ phận hỗ trợ thông  tin  về thị trường, giá cả, mùa vụ và các mô hình canh  tác  mới,... để truyền tải đến từng người dân, từng xã, từng ấp, HTX,... thông qua  các kênh như: Mạng  xã hội,  website,  truyền  thanh,... Đồng  thời,  có  sự tương tác, tư vấn, giải đáp thắc mắc khi  cần thiết. Phối hợp Sở kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các  huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN, HTX, THT sơ chế, bảo  quản, chế biến sâu nông sản sau thu hoạch.

 Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường Châu  Á - Châu  Phi triển  khai  thực  hiện Công văn số 4452/BCT-XTTM ngày 29-7-2022 của  Bộ Công Thương về việc  hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh tiêu  thụ dừa và các sản phẩm từ dừa. Tăng cường thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động hợp tác, kết nối cung - cầu  sản  phẩm  nông  nghiệp  với  các  tỉnh,  thành  phố trong  cả nước.  Nghiên cứu, mở rộng, đa dạng  hóa  thị trường trong nước  và  thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm  hàng  hóa  nông  nghiệp  có  lợi thế của  tỉnh.  Kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản thực phẩm của tỉnh đến các kênh phân phối, nhằm mở rộng thị trường, nâng tầm giá  trị sản phẩm. Thường  xuyên  cập  nhật,  thông  tin  và dự báo thị trường nông sản đến các đối tượng có liên  quan.

Đẩy  mạnh  các  hoạt động  chuyển đổi  số trong  hoạt động xúc tiến thương mại,  xúc  tiến thương mại  thông  qua  kênh  online.  Hỗ trợ các  DN,  HTX phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của Bến Tre tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Phối hợp với các sở, ngành xây dựng, phát hành ấn phẩm dưới dạng video, tin  bài, ấn  phẩm,...phục  vụ hiệu  quả cho  công tác tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh đến các thị trường tiêu thụ.

Sở Khoa học và Công nghệ phối  hợp  với  các  sở,  ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có  liên  quan  nghiên  cứu,  hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất,...ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến nông sản để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu  chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Chủ trì,  phối  hợp  với  các  sở,  ban, ngành, UBND  các  huyện, thành  phố tập  trung  xây  dựng,  phát  triển nhãn  hiệu,  chỉ dẫn địa  lý cho  các  sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký bảo hộ tại nước ngoài  cho  các  sản  phẩm  chủ lực của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ. Hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh cập nhật các thông tin liên quan đến các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế; các hàng rào kỹ thuật về phi thuế quan, các cam kết xuất xứ hàng hóa,...

Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư. Tham mưu xây dựng  và triển  khai  Nghị quyết  của  HĐND tỉnh quy định về một số chính sách đặc  thù  khuyến  khích, hỗ trợ phát triển DN, DN dẫn  đầu trên địa  bàn  tỉnh. Triển  khai  Kế hoạch số 7649/KH-UBND ngày  24-11-2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2023 - 2025  trên địa  bàn  tỉnh. Thực  hiện  có  hiệu  quả Nghị quyết  số 25/2021/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập  thể,  HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Sở Tài chính tiếp  tục tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh. UBND các huyện, thành phố hỗ trợ DN trong quá trình sản xuất, tổ chức tập huấn về kỹ thuật sản  xuất,  kinh  doanh,  quản  lý  bán  hàng,  kết  nối  nhà  sản  xuất  với đơn vị tiêu  thụ, tăng cường quảng bá sản phẩm địa phương mình. Đẩy mạnh  công  tác  tuyên  truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản  xuất  theo  hình  thức  liên  kết, xây  dựng  vùng  nguyên  liệu tập trung. Đẩy  mạnh xây dựng, quản lý vùng trồng đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu. Phối hợp với Sở NN&PTNT hướng dẫn các THT, HTX  áp  dụng  quy  trình sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn tiêu  thụ tại  các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển  khai  thực hiện  có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015,  Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính  phủ về hỗ trợ lãi suất  từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN,  HTX, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022  của  Chính  phủ,  nhất là đối với các DN, HTX trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn củng cố lại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chiều sâu, với nhiều mô hình đa dạng, hoạt động hiệu  quả. Hỗ trợ xây  dựng  mô  hình  HTX  kiểu  mới  gắn  với  chuỗ̃i  giá  trị và  liên doanh,  liên  kết,  hợp  tác; tham  gia  hội  chợ xúc  tiến thương mại  và  công  nghệ tổ chức trong tỉnh và các tỉnh bạn để quảng bá sản phẩm địa phương.

Phối hợp với các ngành, các cơ quan xây dựng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình cây ăn quả chất lượng cao, rau sạch, dịch vụ du lịch cộng đồng và tín dụng. Tập trung sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn, nông sản sạch, sản xuất hướng hữu cơ, quy trình VietGAP...; có́ tem nhãn, bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thủy sản.

Ủy  ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức - chính trị xã hội tăng cường công tác vận động, tuyên truyền cho người dân tiếp cận với kinh tế tập thể; làm cho người nông dân thay đổi tư duy, nhận thức mới về vị trí, vai trò của mình. Đồng thời, có kiến thức mới, trình độ khoa học công nghệ, trình độ kinh tế thị trường...thích ứng với tình hình hiện  nay.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các đoàn thể, hợp tác chặt chẽ với các DN,  tổ chức, cá  nhân, các  nhà  khoa  học để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn,  hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật giúp nông dân phát triển một cách toàn diện hơn.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN