Làng nghề kềm kéo Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) hiện có khoảng 40 cơ sở sản xuất, đa số hoạt động cầm chừng vì đầu ra sản phẩm khó khăn, thiếu khoa học kỹ thuật trong sản xuất và vốn đầu tư. Một số công nhân phải tìm công việc khác để làm hoặc đi làm ăn xa.
Trước những khó khăn của những cơ sở sản xuất làng nghề kềm kéo Mỹ Thạnh, lãnh đạo địa phương đã tổ chức hội thảo để tìm ra giải pháp tháo gỡ. Theo ông Huỳnh Văn Mỡn (Sở Công Thương) cho biết: Nguyên nhân do các hộ sản xuất kềm hoạt động còn riêng lẻ, thiếu tập trung nên chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi cho sản xuất. Các hộ khi vào hợp tác xã sẽ được cung cấp thông tin về thị trường, giá cả thị trường, đăng ký thương hiệu, tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các nơi khác và gia nhập hợp tác xã làng nghề ở những nơi khác.
Bà Nguyễn Thị Mãi - Liên minh Hợp tác xã làng nghề tỉnh Bến Tre, cho biết: Chủ trương của Nhà nước là thường xuyên quan tâm đến các làng nghề truyền thống. Trong thời gian qua, làng nghề này chủ yếu làm gia công chứ chưa thể hiện được năng lực sở trường của mình. Phải thành lập nhóm kinh doanh phát triển thị trường để từ đó tìm đầu ra cho sản phẩm. Cái chính là thiếu khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chứ vốn không hẳn quyết định được thị trường và sản xuất lâu dài. Cần phải tổ chức thành một hệ thống quản lý, điều hành trong làng nghề. Các ngành tác động đến chính sách ưu đãi của Nhà nước, lắng nghe đề xuất của liên minh hợp tác xã để tuyên truyền pháp luật trong sản xuất kinh doanh; đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, học tập các làng nghề khác trong cả nước; hỗ trợ tập huấn về vệ sinh an toàn lao động và vệ sinh lao động.
Trước những trăn trở đó, ông Nguyễn Thanh Liêm - chủ Cơ sở sản xuất kềm Liêm và chị Nguyễn Thị Hải Đăng - chủ Cơ sở sản xuất kềm Hải Đăng, ở ấp Chợ - xã Mỹ Thạnh, tâm sự: Làng nghề sản xuất kềm truyền thống của xã có nguy cơ bị mai một. Chúng tôi đang gặp khó khăn trong sản xuất như thiếu phôi sắt để làm, thiếu phương tiện trong đun, dập phôi, nhà xưởng, lò đốt cao tầng, đặc biệt là thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm. Đó cũng là nỗi băn khoăn của chính quyền địa phương. Ông Phạm Thanh Diễn - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, cho biết thêm: Trước thực trạng làng nghề kềm Mỹ Thạnh có nguy cơ bị mai một, xã đưa ra 4 giải pháp để duy trì và phát triển làng nghề là: tập hợp các cơ sở sản xuất gia công để tạo mối liên kết và huy động lực lượng làng nghề; củng cố hình thức sản xuất từng tổ hợp tác, hợp tác xã (nếu cơ sở nào hoạt động có hiệu quả và đủ điều kiện thì phát triển thành doanh nghiệp để nâng sức cạnh tranh sản phẩm); dự kiến năm 2014 sẽ thành lập Website của UBND xã để giới thiệu các sản phẩm làng nghề trong xã; tranh thủ các ngành chức năng của tỉnh và huyện hỗ trợ chính sách khuyến công để cải thiện các thiết bị máy móc, nâng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.